Trong thời gian ngắn gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã được các cơ quan quản lý chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại dồn dập lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Ảnh: T.L.
Trong thông báo mới nhất, ABBank cho biết Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản xác nhận tài liệu báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông của ngân hàng. Như vậy, đợt phát hành cổ phiếu chia cổ tức với tỷ lệ 10% của ABBank đã hoàn tất, qua đó nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên trên 10.350 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 31/5, ABBank đã thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để chia cổ tức 10% cho cổ đông.
Căn cứ danh sách người sở hữu chứng khoán nhận cổ tức bằng cổ phiếu do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lập, nhà băng này đã phát hành thêm gần 94,1 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với giá trị phát hành thêm gần 941 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ của ABBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào cuối năm 2022 trước đó và được Ủy ban Chứng khoán xác nhận hồ sơ phát hành ngày 27/4 năm nay.
Lãnh đạo ABBank cho biết việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng tăng quy mô vốn điều lệ, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành một ngân hàng bán lẻ hiệu quả. Dự kiến, giá trị vốn hóa của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng nhiều lần so với hiện tại trong 3-5 năm tới.
Thực tế, hoạt động tăng vốn điều lệ đã và đang được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh từ đầu năm đến nay với mục tiêu củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh…
Cụ thể, HDBank mới đây cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 29.000 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu. Sau khi hoàn thành đợt phát hành này, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ hơn 25.300 tỷ lên 29.276 tỷ đồng.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng thương mại khác cũng đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ như OCB phát hành gần 685 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng; TPBank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 22.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán cũng dồn dập lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay như VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng; NCB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 5.602 tỷ đồng lên gần 11.802 tỷ đồng; hay MB có kế hoạch tăng vốn lên 53.683 tỷ đồng…
Để tăng vốn, phần lớn ngân hàng đều chọn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thông qua các chương trình phát hành ưu đãi cho người lao động (ESOP).
Nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) cũng đều có phương án tăng vốn điều lệ trong năm nay. Trong đó, Vietcombank mới đây cũng đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên mức 55.891 tỷ.
Trong khi VietinBank và BIDV đều có phương án tăng vốn điều lệ lên trên 60.000 tỷ đồng, hiện đều chờ được cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp thuận.
Với Agribank, phương án sẽ là bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng. Nếu được đồng ý, vốn của Agribank sẽ tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm nay, lượng vốn điều lệ của các ngân hàng dự kiến tăng thêm 163.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với 154.000 tỷ đồng ghi nhận năm ngoái.