Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều 7/3, nếu như lượng khách hàng rút tiền mặt và số máy rút tiền tự động ATM ngày càng giảm thì số máy quẹt thẻ (POS) đang có tốc độ tăng trưởng mạnh. Nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch trên nền tảng số.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ Agribank Digital.
Cuối tháng 1/2024, thị trường Việt Nam có 20.986 ATM giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện có tới 554.580 POS, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm ngoái. “Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa”, đại diện NHNN cho biết.
Thời gian qua, các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,…), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Hiện có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.
Cùng với dòng chảy công nghệ, trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt cùng nhiều dịch vụ tài chính số tiện ích nhất đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Đồng hành với ngành Ngân hàng, Agribank đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ, chức năng, tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại.
Đại diện Agribank cho biết: Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking của Agribank sau khi đưa vào triển khai ứng dụng được nhiều khách hàng tin dùng như: Mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán bằng mã VietQR, ATM đa chức năng (CDM) với chức năng nạp tiền tự động và gửi tiền trực tuyến, mô hình ngân hàng số Agribank Digital, chức năng rút tiền bằng mã… Ðáng chú ý, thanh toán điện tử trong khu vực, dịch vụ hành chính công được đẩy mạnh. Nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện cho người dân.
Agribank tiếp tục mở rộng kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các trường học, bệnh viện, công ty Fintech, các sàn thương mại điện tử, ví điện tử… triển khai ký kết thỏa thuận với các đơn vị để cung ứng dịch vụ công như: Thu tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, rửa tiền.
Với số lượng trên 45 triệu giao dịch, tổng giá trị giao dịch đạt 60.000 tỷ đồng, Agribank góp phần tích cực phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, là ngân hàng thương mại có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
“Mỗi máy Agribank Digital được trang bị đầy đủ các chức năng nghiệp vụ giao dịch ngân hàng như: Định danh, đăng ký thông tin sinh trắc học khuôn mặt, vân tay; đăng ký mở tài khoản, phát hành thẻ trực tuyến; dịch vụ ngân hàng điện tử; vay vốn trực tuyến; các giao dịch tài chính bằng sinh trắc học. Với trải nghiệm Agribank Digital, mọi giao dịch được tự động hóa với tốc độ xử lý nhanh chóng, độ chính xác cao; đồng thời trao quyền cho khách hàng tự phục vụ. Agribank còn liên tục ra quân phủ sóng rộng rãi các sản phẩm thanh toán hiện đại, hỗ trợ các dịch vụ thẻ trên địa bàn huyện, thị xã, thị trấn với các giao dịch thuộc lĩnh vực dịch vụ công, thanh toán vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán nông sản đầu ra của khách hàng hộ sản xuất, cá nhân…”, đại diện Agribank cho biết.
Theo ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) MB, ngân hàng MB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 10% trong năm 2024; đồng thời sẽ tăng cường hiệp lực tập đoàn nhằm mang đến hệ sinh thái số đa dạng và đầy đủ nhất cho hơn 26 triệu khách hàng.
Tại Hội nghị Nhà đầu tư MB mới đây, đại diện MB cho biết: Năm 2023, MB giữ nhịp tăng trưởng ổn định, các công ty thành viên tăng trưởng bền vững và giữ được thị phần. Lợi nhuận toàn tập đoàn hơn 26,3 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Về chất lượng tài sản, nếu nhìn theo quý, MB đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; các khoản nợ xấu đều được trích lập dự phòng tốt.
“Bên cạnh đó, MB dịch chuyển và mở rộng bán lẻ tốt, hiện chuyển đổi số dẫn đầu và có doanh số giao dịch trên kênh số lớn nhất; CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi) tăng trưởng bền vững qua các năm và đang ở Top đầu thị trường. Năm 2024, MB kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao và trên nền tảng tăng trưởng như quý 4/2023, MB kỳ vọng lợi nhuận sẽ đạt hơn 28,8 nghìn tỷ đồng. Động lực tăng trưởng của MB trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo, MB kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn là bán lẻ, chuyển đổi số và hiệp lực Tập đoàn”, lãnh đạo MB cho biết.
Hiện, năng lực phục vụ giao dịch trên kênh số của MB tương đương các ngân hàng Top đầu châu Á với 97% khối lượng giao dịch được thực hiện qua kênh số. Quy mô giao dịch của MB qua Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Top 1 các ngân hàng trong 3 năm liên tiếp (năm 2021, 2022, năm 2023). Số lượng giao dịch trên kênh số chạm mốc 3,6 tỷ giao dịch, tăng 80% so với năm 2022.
Theo NHNN, thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về TTKDTM, chuyển đổi số, trong đó tập trung hoàn thiện, trình ban hành Nghị định mới về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ trong ngân hàng; nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD, các nghị định về lĩnh vực thanh toán, hoạt động ngân hàng số.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và NHNN) thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức TGTT cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
“Trong đó tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tổ chức xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng”, đại diện NHNN cho biết.