Ngày 18-7, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL”.
Đây là hội thảo chuyên đề thứ 3 trong chuỗi 4 hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức để góp phần triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 148-NQ/CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 06.
Hiện nay, ĐBSCL có 174 đô thị. Tỉ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015, dự báo đến năm 2025 đạt khoảng 35%-36% và đến năm 2030 từ 42%-48%. Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng ĐBSCL là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh. Song, đây cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), bị cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1 m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng. Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập với tỉ lệ phần trăm diện tích ngập cao như: TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), từ 85-90%; TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) từ 85%-90%; TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) từ 60%-70%…
Với riêng TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, ngay tại hội thảo, TS Vũ Cảnh Toàn, chuyên gia Viện Chuyển đổi môi trường và Xã hội quốc tế (ISET), đưa ra cảnh báo đáng chú ý: “Trong nhiều năm trước, mực nước lớn nhất tại Ngã Bảy là 1,58 m nhưng vào năm 2022 là 1,74 m, phá vỡ mực nước lịch sử. Đô thị này cũng chịu tác động gia tăng của mưa, lũ và triều cường cực đoan, trong tương lai sẽ nghiêm trọng, bất thường hơn”.
TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang bị cảnh báo chịu tác động nặng nề của mưa lũ, biến đổi khí hậu trong tương lai. Ảnh: Ngọc Trinh
Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu thống nhất việc quy hoạch đô thị phải tính đến rủi ro về thiên tai, nhất là nguy cơ ngập trong tương lai của vùng ĐBSCL. Các giải pháp đề xuất là tăng diện tích cây xanh cũng như thẩm thấu nước và giảm diện tích bê-tông ở các đô thị, điều chỉnh không gian tại những khu vực có đô thị hóa cao và dễ bị tổn thương. Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng, góp ý bên cạnh tăng diện tích cây xanh, cần chú ý nông nghiệp vì ngành này chiếm đến 70% diện tích đất đai, vừa là nơi sản xuất vừa là nơi chứa nước, tránh ngập lụt. Nông nghiệp, phát triển nông thôn và phát triển đô thị nông thôn là bài toán cần cân bằng với nhau trong trị thủy, phát triển kinh tế – xã hội.
Cũng theo bà Trần Thị Lan Anh, trong “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng phê duyệt, đã xác định 4 khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt và đề ra phương hướng xây dựng đô thị cho từng khu vực. Trong đó, tại khu vực ngập sâu trung bình từ 1 – 2 m (các địa phương ở Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ) cần hạn chế phát triển đô thị quy mô lớn và san lấp mặt bằng diện tích lớn; phát triển đô thị theo tuyến song song với hướng thoát lũ nhằm giảm tác động của lũ đến đô thị. Khu vực ngập nông (các địa phương ở Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang) cần phát triển đô thị quy mô diện tích lớn; tập trung theo hình thái đô thị nén; dành quỹ đất cần thiết để đào hồ, kết nối kênh rạch bảo đảm tiêu thoát nước. Khu vực ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều: phát triển đô thị tại các khu vực đất giồng, bãi bồi cao ở ven sông, ven biển.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị xác định định hướng phát triển các đô thị Việt Nam theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp từng vùng miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai và dịch bệnh. “Riêng đối với phát triển đô thị vùng ĐBSCL, Nghị quyết 06 đề ra yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với BĐKH của các đô thị” – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.