Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm một số lãi suất điều hành thêm 0,5%, hạ trần lãi suất huy động từ ngày 19/6

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, lần thứ 4 trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất, hiệu lực từ ngày 19/6/2023…

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội.

Quyết định số 1123/QĐ-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Quyết định số 1125/QĐ-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2023 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Thị trường ngoại tệ: Phiên 15/06, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.704 VND/USD, tăng 04 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.839 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.533 VND/USD, tăng mạnh 36 đồng so với phiên 14/06. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 45 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 05 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.525 VND/USD và 23.575 VND/USD.

Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 15/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,16 – 0,36 %ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Cụ thể: qua đêm 1,37%; 1 tuần 1,69%; 2 tuần 2,2% và 1 tháng 3,46%.

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 % ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tuần và giảm 0,01 % ở kỳ hạn 2 tuần. Giao dịch tại: qua đêm 4,83%; 1 tuần 4,91%; 2 tuần 5%, 1 thàng 5,17%.

Hôm qua, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở hai kỳ hạn 07 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/kỳ hạn đều với lãi suất giữ ở mức 4,5%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; không có đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 293,83 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Một thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất điều hành liên tục điều chỉnh giảm, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp nhưng quá trình thẩm thấu đến lãi suất cho vay ở thị trường tổ chức và dân cư (thị trường 1) còn chậm. Đến nay, việc giảm lãi suất tiền vay ở thị trường 1 mới chỉ có nhóm “big4” do Nhà nước chi phối vốn và một số ít ngân hàng nhóm 100% vốn tư nhân.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, vấn đề giảm lãi suất chỉ mới tác động ở phía cung vốn, trong khi câu chuyện lớn nhất hiện nay là yếu tố cầu.

Theo số liệu từ cơ quan thống kê và các hiệp hội ngành hàng, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục đình trệ do xuất khẩu chậm, sức tiêu dùng nội địa giảm. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cho biết là nhu cầu vay của khách hàng sản xuất kinh doanh rất hạn chế, do đó, tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng này ở mức rất thấp so với cùng kỳ.

Theo: vneconomy.vn
Spread the love
Back To Top