Ảnh minh họa: Bloomberg |
Reuters đưa tin, đồng Ruble của Nga ngày 14/8 xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 2/2022, chạm mức 101,04 Ruble đổi 1 USD.
Trước đó, tỷ giá đồng Ruble từng chạm mức thấp kỷ lục là 120 Ruble đổi 1 đồng bạc xanh vào tháng 3/2022 do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, trước khi phục hồi lên mức cao nhất trong hơn 7 năm vài tháng sau đó.
Bình luận về tình hình này, ông Maksim Oreshkin, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga nói với TASS rằng: “Đồng Ruble suy yếu sẽ làm phức tạp quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực tế của người dân. Việc có một đồng Ruble mạnh là vì lợi ích của nền kinh tế Nga”.
Ông cho biết Điện Kremlin mong muốn có một đồng Ruble mạnh và hy vọng sẽ sớm bình thường hóa trong thời gian ngắn. Theo đó, Moscow sẽ có biện pháp can thiệp để có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nga hành động vào ngày 15/9.
“Nguyên nhân chính khiến đồng Ruble suy yếu và đẩy nhanh lạm phát là do chính sách tiền tệ lỏng lẻo”, ông Oreshkin cho biết. “Ngân hàng Trung ương có tất cả các công cụ để bình thường hóa tình hình trong thời gian tới và đảm bảo rằng lãi suất cho vay được giảm xuống mức bền vững”.
Vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất 100 điểm cơ bản, lên mức 8,5%, cho rằng sự trượt giá mạnh của đồng Ruble trong năm nay là do cán cân thương mại của Nga bị thu hẹp. Thặng dư cán cân vãng lai của Nga giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn từ tháng 1 đến 7.
Tuần trước, cơ quan này đã công bố kế hoạch ngừng mua ngoại tệ trên thị trường trong nước theo cơ chế ngân sách để bảo vệ nền kinh tế khỏi giá cả hàng hóa biến động.
Theo số liệu mới nhất hôm 11/8 từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga, GDP của Nga đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2/2023, phục hồi từ mức giảm 1,8% trong quý I.