Có thể khẳng định, từ khi thành phố Hà Nội phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính tại các sở, ngành, quận, huyện đang tạo ra không khí thi đua phát kiến đổi mới sáng tạo trong cách quản lý nhà nước. Nhiều mô hình phục vụ người dân được ra đời từ phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính.
* “Cú đấm thép” trong cải cách hành chính
Tại Hà Nội, năm 2017, người dân từng bức xúc với cách làm của một công chức thuộc bộ phận “một cửa” phường Văn Miếu, quận Đống Đa khi để bà con đi lại nhiều lần, thậm chí phải “lót tay” mới xin được Giấy khai tử cho người thân quá cố.
Cách làm vô cảm, thiếu trách nhiệm của vị công chức trên phần nào phản ánh tình trạng cửa quyền hách dịch của đội ngũ công chức thực thi công vụ lúc bấy giờ tại Thủ đô. Nhưng nay, trái ngược với những điều trên, tại phường Nhật Tân (Tây Hồ) đã triển khai trả Giấy khai tử tại nhà công dân.
Chia sẻ điều này ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân thông tin, qua nắm bắt tâm lý tại mỗi gia đình, sau khi có người thân mất đều rất buồn đau và bận lo hậu sự. Xuất phát từ thực tế trên, phường thực hiện trả Giấy khai tử tại nhà.
“Việc trao Giấy khai tử tại nhà làm cán bộ công chức phường có phần vất vả hơn, do phải đi lại nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu phải duy trì để thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy với dân, phục vụ dân”, ông Nguyễn Hữu Tiến nói.
Tại phường Nhật Tân, việc trả Giấy khai tử tại nhà không làm phát sinh biên chế mà nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, rút ngắn thời gian xử lý công việc, tạo môi trường thân thiện giữa cơ quan hành chính với người dân.
Sau khi nhận Giấy khai tử của người thân ngay tại ngôi nhà mình (số 56, ngõ 52, đường Tô Ngọc Vân, phường Nhật Tân), anh Lê Kiên xúc động cho biết, không ngờ chính quyền lại có việc làm ý nghĩa như vậy. Trong lúc tang gia bối rối nhưng được phường chia sẻ, thăm hỏi, trao Giấy khai tử, gia đình cảm thấy rất ấm lòng.
Đối với quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trước đây khi công chức phường đang bận công việc khác, công dân đến chứng thực sao y bản chính các văn bằng có dấu, có thể sẽ nhận câu nói quen thuộc “sếp bận họp” không ký được, hẹn đến chiều.
Từ đầu năm 2022, quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình “5 thủ tục hành chính không chờ”. Công dân có thể nhận kết quả ngay sau 5-10 phút gửi các hồ sơ, gồm: Thủ tục chứng thực bản sao, Thủ tục chứng thực chữ ký, Thủ tục đăng ký kết hôn, Thủ tục đăng ký khai tử, Thủ tục trích lục bản sao đối với giấy khai sinh, khai tử, kết hôn.
Trực tiếp thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho công dân, chị Nguyễn Thị Linh, công chức Tư pháp – Hộ tịch UBND phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm) chia sẻ, với “các thủ tục hành chính không chờ”, đòi hỏi công chức phải tập trung cho công việc chuyên môn hơn. Tại mỗi quầy làm thủ tục, phường đều dán thông báo cỡ lớn “thủ tục hành chính không chờ” để người dân biết và giám sát.
Nhờ hiệu quả, hiện nay, tại Hà Nội nhiều phường, xã triển khai mô hình: Thủ tục hành chính không chờ. Ông Nguyễn Văn Định ở phường Hàng Mã nhận xét: Đây là sự cải cách thực sự vì người dân rất đáng ghi nhận và cần nhân rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Thực hiện đúng tinh thần, nguyên tắc chỉ đạo của thành phố trong phân cấp, ủy quyền: Cấp thành phố quản lý những lĩnh vực trọng yếu của thành phố; cấp huyện quản lý những nhiệm vụ gắn liền với đời sống dân sinh. Ngoài thực hiện phân cấp về đầu tư xây dựng cơ bản, các quận, huyện tập trung cải cách hành chính theo hướng thông minh.
Quận Long Biên đang tập trung cải cách hành chính dựa trên 3 trụ cột: Chuẩn hóa quy trình, đào tạo con người và ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ phận “một cửa” của quận triển khai theo hướng thông minh, không còn văn bản giấy treo chi chít, cái mới đè lên cái cũ xô lệch trên tường vôi như trước. Tất cả văn bản, thủ tục liên quan được quận này lượng hóa ngắn gọn dễ hiệu và chuyển sang dữ liệu số, chỉ cần lệnh en-tơ là chuyển tải được xuống các phường.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên thông tin, quận xây dựng bộ phận “Một cửa” thành nơi thực hiện “hành chính xanh”, trên nguyên tắc: Hiện đại, hỗ trợ và sẻ chia. Người dân không còn nhận giấy hẹn thứ tự như trước mà được phát một thiết bị điện tử có chuông báo. Khi đến lượt, chuông sẽ rung và kêu tiếng bíp nhẹ để nhắc nhở.
Quá trình ngồi chờ, người dân có thể dùng điện thoại tra cứu hay xem các clip hướng dẫn cách khai báo thủ tục hành chính, nắm phần việc phải kê khai, đơn giá, thời gian nhận kết quả. Với cách làm như vậy, tại bộ phận “Một cửa” không phát sinh giấy lộn từ việc vứt bỏ giấy hẹn của người dân sau khi hoàn thành công việc như trước đây.
Đối với những người đã thực hiện thủ tục từ nhà, khi đến sẽ được “phân luồng xanh” sang một khu vực riêng ưu tiên, có nước mát phục vụ, chờ kết quả. Mô hình “một cửa” của quận được thành phố đang đánh giá cao về cách làm sáng tạo, thông minh.
*Tự tin, chủ động giải quyết việc khó
Ghi nhận tại Hà Nội việc phân cấp, ủy quyền còn đạt nhiều kết quả vượt bậc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng, quản lý đất đai.
Tuyến đường Vành đai 4 Vùng thủ đô, đi qua Hà Nội có diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 798,043ha đất nông nghiệp và thổ cư. Thành phố xác định khó khăn nhất trong triển khai dự án là giải phóng mặt bằng. Nhưng căn cứ vào Quyết định số 3558 của UBND thành phố về ủy quyền cho cấp huyện thành lập hội đồng định giá đất cụ thể và quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ thu hồi, bồi thường đất nên các địa phương chủ động triển khai.
UBND huyện Hoài Đức thông tin, với “lệnh bài” trong tay, huyện nhanh chóng, tự tin xác định giá đất nông nghiệp để áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Huyện “về đích” sớm nhất so với các địa phương trong đền bù, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp tuyến đường trên.
Còn toàn thành phố đến cuối tháng 10/2023, các địa phương có tuyến đường đi qua đã phê duyệt và thu hồi đất được 717,8ha, đạt 90,70%. Việc giải phóng mặt bằng tuyến đường trên được Chính phủ đánh giá là điển hình về thời gian cũng như hiệu quả của việc phân cấp, ủy quyền ở Hà Nội.
Hiệu quả từ phân cấp thấy rất rõ ở các huyện đang xây dựng đề án thành lập quận. Các địa phương này đang có nhu cầu đầu tư hạ tầng khung rất lớn, khi được phân cấp đầu tư sẽ nhanh chóng sử dụng nguồn ngân sách tự chủ để triển khai các tuyến đường, trường học…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng khẳng định, nhờ thành phố phân cấp, huyện chủ động các bước đầu tư nên nhanh chóng hoàn thành hạ tầng khung, đảm bảo tiêu chí thành quận.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cũng cho biết, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được huyện giải quyết. Từ năm 2022, khi được phân cấp, huyện xây dựng 3 trường trung học phổ thông to đẹp, cùng nhiều tuyến đường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ các địa phương chủ động triển khai nên giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đến ngày 15/11 được 30.133,7 tỷ đồng, đạt 64,2%, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.