UBND Tỉnh Kon Tum cho biết Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum thuộc đối tượng được ưu đãi, được cho thuê đất không thông qua đấu giá và tỉnh đã có văn bản hỏi ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có văn bản số 2963/UBND-HTKT giải trình với Thanh tra Chính phủ về các sai phạm tại khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng Siêu thị Co.opmart Kon Tum.
Đây là dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum quyết định chủ trương đầu tư năm 2016; triển khai trên diện tích hơn 8.700m2, nằm ở trung tâm thành phố Kon Tum với ba mặt tiền đường Trần Phú, Bà Triệu và Đoàn Thị Điểm.
Đợt thanh tra năm 2022, Thanh tra Chính phủ kết luận Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất, không sắp xếp, xử lý tài sản công là không đúng quy định.
Cùng đó, tháng 8/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục cho thuê thêm phần còn lại với diện tích hơn 3.227m2 nhưng không chỉ đạo xác định giá đất cụ thể cho toàn bộ thửa đất, làm tăng chi phí xác định giá đất cụ thể thành 2 lần…
Trước thực tế này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản trên.
Cụ thể, tỉnh cho thuê không qua đấu giá là căn cứ Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Dự án Đầu tư Xây dựng Siêu thị Co.opmart Kon Tum thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, được cho thuê đất không thông qua đấu giá.
Cùng đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản hỏi ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hướng dẫn, với dự án trên được cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá (số 1198/TCQLĐĐ-CQHĐĐ ngày 7/7/2016).
“Đây là cơ sở vững chắc hơn cơ sở pháp lý để tỉnh Kon Tum cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án” văn bản 2963/UBND-HTKT khẳng định.
Ngoài ra, tại khu đất thu hút đầu tư siêu thị Co.opmart có trụ sở Trung tâm Văn hóa, phát hành phim và chiếu bóng được đầu tư xây dựng từ các năm 1992 đến năm 1999. Cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, hư hỏng.
Để sớm có mặt bằng sạch và giao đất cho nhà đầu tư, địa phương đã giao cho các cơ quan chức năng xác định giá trị còn lại của tài sản đảm bảo theo quy định.
Nhà đầu tư đã bồi thường giá trị tài sản trên gần 2,5 tỷ đồng để nộp ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, tại nội dung điều chỉnh của khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP, việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp vào mục đích cho thuê, không liên quan gì đến việc sắp xếp tài sản công.
Việc xác định giá đất cụ thể cho toàn bộ thửa đất theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum hiện không thể thực hiện được.
Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định thời điểm cho thuê 2 lô đất của dự án là khác nhau.
Cụ thể: Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thuê đất lần 1 năm 2016 với diện tích 5.425m2, cho thuê đất lần hai năm 2018 với diện tích hơn 3.227m2.
Thời điểm cho thuê 2 lô đất nêu trên cách nhau hơn 1 năm nên không thể xác định giá đất cho toàn bộ khu đất.
Ngoài ra, mục đích sử dụng của 2 lô đất là khác nhau; trong đó, cho thuê lần một được sử dụng vào mục đích đất sản xuất kinh doanh; cho thuê lần hai được sử dụng đất công trình công cộng, có mục đích kinh doanh để xây dựng hạng mục công viên cây xanh và hạng mục phụ trợ.
Nhà đầu tư đã làm công viên, nơi tập thể thao đáp ứng nhu cầu của người dân theo đúng quy hoạch.
Trước đó, việc cho thuê đất “vàng” không qua đấu giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã tạo hiểu lầm cho nhiều người dân trong tỉnh. Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh giải trình và thông tin chính thức vụ việc đã làm rõ việc cho thuê trên./.