Chứng khoán châu Á đi lên trong phiên đầu tuần 26/2, trong đó chỉ số Nikkei 225 phá mốc cao kỷ lục đạt được trong tuần trước.
Đà tăng này diễn ra theo sau sự thúc đẩy từ phố Wall khi các chỉ số cũng chạm mức cao kỷ lục mới.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 265,38 điểm (0,68%) lên 39.364,06 điểm lúc đầu phiên, còn chỉ số Topix cộng thêm 16,24 điểm (0,61%) lên 2.676,95 điểm. Tuần trước, chỉ số Nikkei đã tăng 1,6% hướng tới mốc thử nghiệm 40.000 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng nhẹ 15,45 điểm (0,09%) lên 16.741,31 điểm, chỉ số Shanghai Composite cộng thêm 2,33 điểm (0,08%) lên 3.007,21 điểm.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) không đổi sau khi tăng 1,7% lên mức cao của 7 tháng trong tuần trước. Mức tăng này chủ yếu nhờ lực đẩy từ chứng khoán Trung Quốc khi thị trường kỳ vọng chính phủ sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn.
Nhà phân tích Stephen Innes tại SPI Asset Management cho hay các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu lạm phát từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong tuần này để tìm kiếm manh mối về lộ trình lãi suất trong tương lai.
Chỉ số về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đó lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dự kiến được công bố vào ngày 29/2 tới. Chỉ số này được dự báo sẽ tăng 0,4%. Các thị trường đã đẩy lùi khả năng Fed cắt giảm đợt lãi suất đầu tiền từ tháng Năm sang tháng Sáu và dự đoán sẽ có nhiều hơn ba lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay so với 5 lần hồi đầu tháng.
Số liệu về giá tiêu dùng Nhật Bản sẽ được công bố ngày 27/2 và chỉ số này dự kiến sẽ giảm xuống 1,8% trong tháng 1/2024, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Các số liệu về lạm phát ở Liên minh châu Âu sẽ được công bố vào ngày 1/3, trong đó lạm phát cơ bản một lần nữa được dự đoán sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 ở mức 2,9% và đang đến gần ngày Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể nới lỏng chính sách.
Sự thay đổi trong những đồn đoán về bước đi của Fed đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ đạt mức cao nhất trong ba tháng vào tuần trước.
Trên thị trường tiền tệ, lợi suất trái phiếu cao hơn trên toàn cầu đang gây áp lực cho đồng yen, vốn đã chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng so với đồng euro và mức đáy 9 năm so với đồng AUD và NZD.
Đầu phiên giao dịch 26/2 ở châu Á, đồng USD đổi được 150,49 yen, so với mức 150,53 yen/USD ở New York hôm 23/2.
Đồng euro được giao dịch ở mức 1 euro đổi 162,80 yen, không xa so với mức “đỉnh” 163,45 yen/euro trước đó.
Tại Việt Nam, lúc 10 giờ 25 phút, chỉ số VN-Index tăng 8,8 điểm (0,73%) lên 1.220,55 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,17 điểm (0,08) lên 231,31 điểm.