Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tăng trưởng hơn 90 lần trong vòng ba thập kỷ qua nhờ những nỗ lực tích cực trong tự do hóa thương mại.
Ngày 6/12, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã công bố báo cáo “Vietnam at a glance: Nhật Bản và Việt Nam – 50 năm quan hệ kinh tế,” trong đó cho biết Nhật Bản không chỉ là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam mà còn là nhà đầu tư lớn về vốn FDI, vốn ODA và dòng kiều hối.
Mối quan hệ vững như bàn thạch
Các chuyên gia HSBC nhận định, mặc dù quan hệ Việt Nam với Nhật Bản không được biết đến rộng rãi như các quan hệ kinh tế khác, tuy nhiên đây là một mối quan hệ chính yếu có tầm quan trọng đối với tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong tuần trước, hai quốc gia đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện,” mở ra nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng.
Hiện tại, quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” là mức độ quan hệ cao nhất mà Việt Nam mới chỉ thiết lập với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và gần đây nhất là Mỹ trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Biden hồi tháng Chín.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai mong muốn nguyên Đại sứ đặc biệt Việt Nam-Nhật Bản Sugi Ryotaro tiếp tục có nhiều sáng kiến, hoạt động thiết thực góp phần tăng quan hệ hữu nghị hai nước.
Một điểm ấn tượng là thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tăng trưởng hơn 90 lần trong vòng ba thập kỷ qua nhờ những nỗ lực tích cực trong tự do hóa thương mại, giúp Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Lĩnh vực đáng chú ý đầu tiên chính là quan hệ thương mại. Tổng thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam đã gia tăng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức 15,2% kể từ năm 1990.
Kết quả ấn tượng này có được là nhờ Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007, sau đó là tới Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Nhật Bản với ASEAN (ASEAN-Japan Comprehensive Economic Partnership – AJCEP) có hiệu lực từ năm 2008 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (Vietnam-Japan Economic Partnership Agreement – VJEPA) có hiệu lực từ năm 2009.
Với việc tổng thương mại vượt ngưỡng 47 tỷ USD trong năm 2022, Nhật Bản chính thức trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, phản ánh mối quan hệ kinh tế năng động giữa hai nước.
Ngay cả trong nội khối ASEAN, Việt Nam cũng thâm nhập sâu vào các hoạt động thương mại của Nhật Bản. Mặc dù thị phần của ASEAN trong thương mại của Nhật Bản duy trì ổn định ở mức dưới 15%, Việt Nam đã không ngừng gia tăng tầm quan trọng bên trong khối ASEAN.
Nhìn kỹ vào cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, một số nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn hẳn bao gồm điện tử tiêu dùng/máy móc/vận tải (35%), dệt may/giày dép (26%) và nguyên liệu thô (18%) như gỗ và nhựa.
Trên thực tế, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có kim ngạch xuất khẩu điện thoại thông minh lớn sang Nhật Bản bắt đầu vào năm 2016 và 2017, phản ánh sự chuyển dịch hoạt động sản xuất điện thoại thông minh ra nước ngoài của các tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc.
Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam sang Nhật đã tăng đáng kể trong giai đoạn này, vượt lên cả tỷ trọng của Hàn Quốc. Năng lượng, một thời chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam (17% trong năm 2013) đã giảm, phù hợp với xu hướng chuyển dịch của Việt Nam sang nhập khẩu ròng về năng lượng.
Sự gia nhập của bán lẻ và tài chính
Bên cạnh thương mại, các chuyên gia HSBC đánh giá Nhật Bản được biết tới là nhà đầu tư trực tiếp chính ở ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, Nhật Bản là nguồn FDI lớn thứ ba, đạt gần 70 tỷ USD chỉ sau Hàn Quốc và Singapore. Để bổ sung cho chuỗi cung ứng hiện tại, Nhật Bản đã dầu tư chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất với các công ty đa quốc gia như Panasonic và Canon thành lập cơ sở sản xuất từ rất sớm.
Ban đầu, các công ty Nhật Bản bị thu hút bởi giá lao động cạnh tranh, sau đó tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động trong khu vực như một trung tâm xuất khẩu bên ngoài Nhật Bản. Xu hướng này vẫn còn tiếp diễn với nhiều cơ hội mới xuất hiện đặc biệt trong các mảng giá trị công thêm cao hơn như bán dẫn. FDI sản xuất giá trị cộng thêm cao hơn đến từ các công ty bán dẫn nước ngoài lớn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực để tạo cơ hội cho các công ty Nhật Bản xử lý các quy trình sản xuất phức tạp hơn ở nước ngoài.
Gần đây, đó không chỉ là chuyện xảy ra với vốn đầu tư bao gồm xây dựng cơ sở mới trong sản xuất. Thu nhập tăng lên và sự nở rộ của chi tiêu tùy ý đã tạo ra nhiều cơ hội trong bán lẻ cũng như dịch vụ tài chính, từ đó thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon nổi lên như một ví dụ tiêu biểu, tập đoàn này đã công bố ý định nâng số lượng trung tâm thương mại từ mức 6 trung tâm trong hiện tại lên 30 vào năm 2030.
Mizuho, một trong những ngân hàng lớn của Nhật Bản, đã từng bước mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam như công ty dịch vụ thanh toán số hàng đầu M-Service cũng như Ngân hàng Vietcombank.
Tạo điều kiện cho phát triển
Ngoài ra, điều quan trọng cần nhớ là hạ tầng và phát triển tạo nền tảng cho những cơ hội như vậy nở rộ. Hiện Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn hỗ trợ phát triển nước ngoài (vốn ODA) lớn nhất của Việt Nam. Nhật Bản đã cung cấp hơn 3.000 tỷ Yên vốn ODA, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia nhận nhiều vốn ODA nhất từ Nhật Bản.
Thực tế, hầu hết các khoản vay này đều được dùng vào mục đích phát triển hạ tầng thiết yếu như sân bay quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân. Với thời hạn ưu đãi, thời điểm đáo hạn dài (thường rơi vào khoảng 30-40 năm) và lãi suất thấp (0,5%-1,0%), những khoản vay này đóng vai trò lớn tạo điều kiện cho tăng trưởng gần đây của Việt Nam.
Cũng theo HSBC, một lĩnh vực quan trọng khác là dòng kiều hối từ Nhật Bản về Việt Nam đóng vai trò như một nguồn thu nhập ngoại tệ ổn định quan trọng. Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là ba điểm đến cho xuất khẩu lao động của Việt Nam. Một yếu tố thúc đẩy dòng kiều hối là chương trình đào tạo thực tập sinh ngành công nghệ của Nhật Bản cho phép lao động nước ngoài ở lại tối đa năm năm để phát triển kỹ năng cần thiết làm hành trang về nước.
Nguồn thực tập sinh lớn nhất cho chương trình này đến từ Việt Nam, chiếm hơn nửa tổng thực tập sinh công nghệ. Hiện tại, đồng Yên Nhật bị giảm giá mạnh có thể khiến lao động Việt Nam ở Nhật Bản gặp khó khăn khi tiền gửi về nhà bị giảm đi so với lúc trước.
“Tựu trung lại, quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam có tầm quan trọng lớn xét trên nhiều phương diện. Mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản ban đầu tiếp cận Việt Nam như một cơ sở sản xuất ở nước ngoài có chi phí cạnh tranh, câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho quan hệ giữa hai nước phát triển, đặc biệt là các hoạt động giá trị cộng thêm cao hơn,” chuyên gia HSBC nhấn mạnh./.