Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cách đa dạng hóa nguồn cung pin và vật liệu bán dẫn

Tập đoàn hóa chất Mitsubishi của Nhật Bản đang tìm kiếm các mối quan hệ đối tác của Australia để sản xuất khoáng sản ở Mozambique và Na Uy, trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.

Các công ty Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào pin và vật liệu bán dẫn quan trọng sản xuất tại Trung Quốc, đang có xu hướng mở rộng nguồn cung khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng này.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với các lô hàng than chì của nước này bắt đầu từ 24/11 vừa qua. Than chì là nguyên liệu rất cần thiết trong chế tạo điện cực âm trongpin lithium-ion cho xe điện. Mặc dù chưa đến mức bị cấm nhưng việc yêu cầu cấp phép này có thể làm giảm xuất khẩu than chì của Trung Quốc. Hơn 80% than chì tự nhiên được sử dụng ở Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tập đoàn hóa chất Mitsubishi của Nhật Bản đang xem xét đẩy mạnh sản xuất vật liệu điện cực ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nếu việc nhập khẩu than chì từ nước này bị gián đoạn. Công ty cũng đang tìm kiếm các mối quan hệ đối tác của Australia để sản xuất khoáng sản ở Mozambique và Na Uy, trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.
Trong khi đó, đại diện của công ty sản xuất ô tô Nissan Motor (Nhật Bản) sẽ xem xét mua than chì và các vật liệu xe điện quan trọng khác từ các khu vực khác. Panasonic Energy, công ty con về pin thuộc Panasonic Holdings của Nhật Bản, đang tiến hành nghiên cứu chung với một công ty than chì của Canada để sản xuất hàng loạt vật liệu điện cực. Những nỗ lực của công ty đã được nâng cao nhờ thỏa thuận hồi tháng 9/2023 giữa Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Chính phủ Canada nhằm tăng cường chuỗi cung ứng pin.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, sản lượng than chì toàn cầu đạt 1,3 triệu tấn vào năm 2022, tăng 15% so với thời điểm xe điện bắt đầu phát triển. Trung Quốc chiếm 70% khối lượng sản xuất và cũng sản xuất một lượng lớn than chì nhân tạo. Đây là nhà xuất khẩu lớn với chi phí thấp của cả hai loại vật liệu này.
Than chì không phải là khoáng sản quan trọng duy nhất được Trung Quốc quan tâm. Vào tháng 8/2023, Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với galileum và germanium, những kim loại quý hiếm được sử dụng để sản xuất linh kiện điện tử và chất bán dẫn. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu cả hai kim loại này đều giảm mạnh trong thời gian qua.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với đất hiếm, thường được sử dụng trong sản xuất động cơ điện. Các hạn chế mới này sẽ được áp dụng trong hai năm.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top