Hiệu ứng 2 chiều khi áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp

Thời đại 4.0 việc sản xuất, canh tác nông nghiệp từng bước hiện đại, hiệu quả nhờ việc áp dụng cơ giới hóa, đời sống nông dân cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, ở góc độ khác, cơ giới hóa đã “đuổi người lao động lên bờ”, những người lao động có trình độ thấp rơi vào cảnh thất nghiệp.

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nông dân nhàn nhã ra đồng, chỉ cần ở trên bờ quan sát. Ảnh: Bích Ngọc

Làn gió mới cho canh tác nông nghiệp

Cách đây khoảng 10 năm, khi cơ giới hóa chưa được phổ biến, lão nông Nguyễn Văn Còn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) phải làm mọi công việc nặng nhọc để canh tác 1,5 ha đất ruộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi cơ giới hóa gần như “thống lĩnh” hoàn toàn, người nông dân này chỉ việc nhàn nhã ra đồng.

Ông Còn cho biết: “Làm ruộng hồi xưa nông dân cực khổ vô cùng, lội ruộng sạ lúa đạp phải vỏ ốc, mảnh chai là coi như nằm nghỉ ở nhà cả tháng. Còn phun thuốc trừ sâu, hít phải mùi thuốc bị viêm mũi, viêm họng, chưa kể vác bình nặng, lâu dài lưng tôi bị đau do ảnh hưởng đến cột sống”.

Theo lão nông này, hiện nay sạ lúa có máy sạ, phun thuốc có máy bay, thu hoạch lúa thì có máy gặt đập liên hợp nên cuộc sống nông dân cải thiện rõ rệt.

“Làm ruộng bây giờ khỏe lắm, tới phun thuốc cũng không cần vác bình, chỉ cần cho thuốc vào bình, ở trên bờ dùng remote điều khiển từ xa để phun. Chi phí cũng rẻ hơn, mỗi đợt phun bằng máy bay là 350.000 đồng, còn thuê nhân công thì mất khoảng 500.000 đồng/đợt phun” – ông Còn nói.

Anh Trần Chí Công (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Hồi trước sạ lúa bằng tay, mật độ lúa dày việc chăm bón cũng khó khăn, từ khi sạ hàng, ruộng lúa thẳng tắp không những đẹp mà còn dễ chăm sóc”.

Anh Hà Đạt Thịnh – nhân viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – chia sẻ: Việc áp dụng cơ giới hóa giúp việc canh tác của bà con nông dân được cải thiện, hạt gạo cung ứng ra thị trường cũng đảm bảo hơn.

“Để giúp bà con nông dân đỡ tốn kém chi phí thuốc trừ sâu, mang lại hiệu quả cao, máy bay phun thuốc được đưa vào sử dụng. Chỉ mất khoảng 30 phút là xong 1 ha đất, tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với cách phun thuốc truyền thống, nhờ đó mà khi trời mưa gió hạn chế tình trạng thuốc bị rửa trôi, phải phun lại nhiều lần” – anh Thịnh nói.

Người lao động bị cơ giới hóa “đuổi lên bờ”

Bên cạnh tính hiệu quả, hiện đại mà cơ giới hóa mang lại, hiện nay, nhiều lao động nông thôn có trình độ thấp phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì bị cơ giới hóa “đuổi lên bờ”.

Anh Võ Hoàng Em (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Khoảng 4 – 5 năm trước, khi cắt lúa bằng tay còn nhiều, mỗi ngày, tôi cũng kiếm được 100.000 – 150.000 đồng. Còn xịt thuốc cũng kiếm được 300.000 đồng/đợt. Bây giờ máy móc làm hết, chỉ còn giặm lúa, nhổ cỏ thì làm được ít ngày, tiền cũng không được bao nhiêu”.

Hiện nay, ngoại trừ giặm lúa thuê, bốc vác lúa khi tới mùa thu hoạch, lao động nông thôn mới có cơ hội kiếm tiền. Ảnh: Bích Ngọc

Theo anh Hoàng Em, với trình độ học chỉ hết lớp 5, anh không thể xin làm công nhân, quanh quẩn ở nông thôn, làm công việc chân tay như bốc vác, phụ hồ, bón phân, xịt thuốc thuê. Hiện nay, khi cơ giới hóa thế chỗ, cuộc sống người đàn ông này chật vật hơn.

“Ở nông thôn, hồi xưa chỉ cần làm thuê, sống tằn tiện là có thể khá giả. Giờ cái gì cũng đến tay máy móc, thanh niên có bằng lớp 9, 12 bỏ quê lên thành phố làm công nhân được, chứ như tôi không có đất, có vườn, bằng cấp cũng không thì chỉ biết cố gắng cầm cự mà sống” – anh Hoàng Em chia sẻ.

Ông Dương Văn Hiền (62 tuổi, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Khi máy móc đưa vào sử dụng, không còn người thuê nên thất nghiệp 4 năm nay, còn trẻ thì còn bốc vác, phụ hồ, bây giờ tuổi cũng lớn chỉ đi bán vé số dạo kiếm được đồng nào hay đồng đó.

“Máy móc tất nhiên là làm hiệu quả hơn con người rồi, con người ngày càng già, sức càng yếu chứ máy móc đâu có già. Xã hội thì ngày càng tiến bộ, thanh niên trẻ có bằng phổ thông còn xin đi làm công nhân được. Còn những người già, không bằng cấp như tôi dù máy móc không thế chỗ thì sức khỏe cũng không cho phép làm nặng nữa” – ông Hiền bộc bạch.

PV
Theo: laodong
Spread the love
Back To Top