Hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu.
Dây chuyền luyện thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam đã tăng mạnh gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước, với khoảng 2,65 triệu tấn; trong đó, tới gần 70% là thép nhập từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu ồ ạt mặt hàng thép trong khi chưa có những hàng rào kỹ thuật, kiểm tra chất lượng khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó.
Mới đây, hai doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc.
Hai công ty này cho hay nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu tăng đột biến cũng như giá thép cán nóng từ Trung Quốc giảm mạnh có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, với lượng nhập khẩu tăng mạnh gấp 2-3 lần, nhưng mức giá thép cuộn cán nóng của Trung Quốc từ quý I/2023 đến nay đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520 – 560 USD/tấn tùy loại.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho hay, trong 3 năm trở lại đây, tình hình kinh tế đi xuống, bất động sản trì trệ khiến cho lượng thép sản xuất của Trung Quốc dư thừa quá lớn, buộc các nhà sản xuất phải đẩy mạnh xuất khẩu và đưa đến hiện tượng tràn vào các nước như Việt Nam.
Đáng chú ý, đại diện Hòa Phát cho biết, một số hãng thép Trung Quốc đang chấp nhận bán lỗ, cạnh tranh không lành mạnh để tiêu thụ được sản phẩm tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ trong nước sụt giảm, xuất khẩu khó khăn trong khi sản phẩm nhập khẩu ùn ùn khiến các doanh nghiệp lao đao. Vấn đề đáng quan tâm là theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo TT 06/2020/TT-BKHCN nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong khi thép Việt xuất khẩu sang các nước phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn của riêng từng nước khá khắt khe thì Việt Nam vẫn chấp nhận tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự soạn và công bố.
Sản phẩm thép Hòa Phát. Ảnh minh họa: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh đó, thép nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0% trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ; các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Lãnh đạo một doanh nghiệp thép lớn cũng cho biết, doanh nghiệp trong nước gặp khó về sản xuất, xuất khẩu nhưng mỗi năm, cả nước vẫn chi hàng tỷ USD nhập khẩu thép hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào là không công bằng. Hiện nay, nhiều nước đã dựng hàng rào quy chuẩn kỹ thuật khắt khe như Indonesia, các sản phẩm thép phải được cấp chứng nhận SNI là tiêu chuẩn quốc gia của quốc gia này Indonesia…
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. Chúng ta đang thiếu hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng.
Thực tế hiện nay, hàng rào kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới đang áp dụng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn độ, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada, Anh… thì sản phẩm để nhập khẩu vào các quốc gia đó, bất kỳ là sản phẩm nào, có gây mất an toàn hay không, nhà nhập khẩu phải tuân thủ rất nhiều thủ tục.
Bản chất hàng rào kỹ thuật này được lập ra với mục đích là kiểm soát tuân thủ chất lượng của quốc gia tiếp nhận, điều tiết lượng hàng nhập khẩu, tránh đe dọa đến sản xuất trong nước. Song với Việt Nam, trong khi thép Việt là một trong những ngành bị khởi xướng điều tra nhiều nhất thì ở trong nước, số vụ điều tra chống bán phá giá, các hàng rào kỹ thuật còn hạn chế, ông Sưa cho biết thêm.
Ở các nước, để có thể đưa thép vào thị trường của họ, yêu cầu nhà xuất khẩu phải xin giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu; đưa ra các yêu cầu mà một loại hàng hóa, quy trình, hệ thống … nào đó bắt buộc phải tuân theo một tiêu chuẩn hoặc được dán nhãn tiêu chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy. Ngoài ra, phải trải qua quá trình kiểm tra nhà máy, kiểm tra sản phẩm hoặc kiểm tra dịch vụ theo các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu.
Nhưng nhìn lại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, các điều kiện nhập khẩu rất “lỏng lẻo”. Đơn cử, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo TT 06/2020/TT-BKHCN nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Thép nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay đa phần thuế nhập khẩu là 0%, hàng hóa luồng xanh nên được miễn kiểm tra chi tiết về hồ sơ và hàng hóa.
Theo kiến nghị từ các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra các mặt hàng nói chung và thép nhập khẩu vào Việt Nam nói riêng, cần phải có Chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cấp phép cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, để hỗ trợ sản xuất trong nước trong bối cảnh thị trường khó khăn, có thể tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp đối với sản phẩm thép.
Trước việc thép ngoại tràn vào Việt Nam trong nhiều năm qua, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu; tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.