Sony hướng tới trở thành công ty giải trí có giá trị nhất thế giới

Trong suốt thập kỷ qua, Tập đoàn Sony đã nỗ lực xây dựng nền tảng nội dung và các tài sản khác để từ đó hướng tới mục tiêu dẫn đầu.

Trụ sở tập đoàn Sony tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Liệu tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản này có thể tiến gần hơn đến việc trở thành công ty giải trí giá trị nhất thế giới vào năm 2024 hay không?

Tính đến cuối tháng 9/2023, Sony đã nắm giữ tổng tài sản 3.780 tỷ yen (26,4 tỷ USD), cao gấp khoảng 2,3 lần so với 10 năm trước đó. Vào tháng 12/2023, bộ đôi gồm ông Kenichiro Yoshida, hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành và ông Hiroki Totoki, hiện là Chủ tịch, đã gia nhập lại đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn. Hai nhà lãnh đạo này đều có xu hướng chú trọng đến hiệu suất và tài chính.
Tài sản vô hình có thể kiếm lợi nhuận nhiều hơn so với tài sản hữu hình, do đó Sony luôn muốn phát triển của hoạt động kinh doanh trò chơi, hình ảnh và âm nhạc. Sony hiện nắm giữa tài sản vô hình nhiều gấp 2,6 lần tài sản hữu hình. Mặc dù thấp hơn bội số 3,6 lần của Siemens nhưng con số này lại vượt qua mức 0,7 lần của Microsoft, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Sony trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Nó cũng cao hơn mức 2,1 lần của tập đoàn công nghiệp Nhật Bản Hitachi.
Sự phát triển này bắt nguồn từ việc Tập đoàn Sony chuyển hướng từ điện tử tiêu dùng sang lĩnh vực giải trí thông qua đầu tư mạnh mẽ vào sở hữu trí tuệ, sáng tạo và mua lại nội dung.
Mảng giải trí chiếm khoảng 60% trong dự báo lợi nhuận hoạt động 1.170 tỷ yen của Sony cho năm kết thúc vào tháng 3/2024. Tin tưởng vào tiềm năng của tài sản vô hình, các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận hoạt động của Sony sẽ tăng 15% trong năm tài chính tới lên mức kỷ lục 1.350 tỷ yen, sau đó tăng 10% trong năm tài chính 2025.
Mảng trò chơi (game) của Sony cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm. Sony đã đạt được khoảng 30% kế hoạch bán khoảng 25 triệu máy trò chơi điện tử cầm tay PlayStation 5 tính đến thời điểm nửa năm tài chính 2023-2024 và có vẻ sẽ không đạt được mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng những người theo dõi thị trường hầu hết vẫn lạc quan vì những dấu hiệu tích cực khác.
Nhà phân tích Masahiro Ono tại Morgan Stanley MUFG Securities nhận thấy khả năng lợi nhuận hoạt động trong mảng trò chơi của Tập đoàn Sony tăng thêm khoảng 80-100 tỷ yen trong năm tài chính 2024 so với dự báo 270 tỷ yen cho năm tài chính này. Điều này sẽ giúp đưa mức lợi nhuận năm tài chính 2024 lên trên mức kỷ lục 346 tỷ yen được ghi nhận trong năm tài chính 2021.

Việc giảm chi phí liên quan đến mua lại và chi phí quảng cáo cho PlayStation 5 được cho là góp phần vào mức tăng trên, cũng như việc tăng giá cho các dịch vụ đăng ký.
Các trò chơi dịch vụ trực tiếp được dự báo sẽ thúc đẩy phân khúc này trong trung hạn. Tập đoàn Sony đã mua lại Bungie, studio trò chơi điện tử có trụ sở tại Mỹ đứng sau loạt trò chơi ăn khách Destiny, với giá 3,7 tỷ USD trong năm 2022. Vì những trò chơi như vậy có thể tiếp tục bổ sung nội dung mới nên chúng có thể giúp tăng doanh thu trên mỗi người dùng của Sony.
Biên lợi nhuận hoạt động dự kiến ở mức 6% trong năm tài chính này sau khi đạt mức cao nhất là 13% trong năm tài chính 2018. Nhà phân tích cấp cao Ryosuke Katsura tại công ty chứng khoán SMBC Nikko cho biết sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu con số này chạm mức đỉnh mới trong tương lai.
Trong khi đó, mảng âm nhạc của Sony có thể chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng năm thứ 5 liên tiếp trong năm tài chính tiếp theo. Sony nắm giữ 800 tỷ yen tiền bản quyền bài hát, hợp đồng nghệ sĩ và các tài sản liên quan khác, giúp Sony hưởng lợi từ thị trường phát trực tuyến đang mở rộng.
Crunchyroll, một nền tảng phát trực tuyến anime được Sony mua lại vào năm 2021, là một lĩnh vực kinh doanh đáng xem trong mảng phim ảnh của Tập đoàn Sony. Nền tảng có trụ sở tại Mỹ này có hơn 12 triệu người đăng ký trả phí và có thể khai thác nhu cầu anime toàn cầu.
Vốn hóa thị trường của Tập đoàn Sony niêm yết tại Sàn Tokyo đã tăng gấp 9 lần trong 10 năm qua lên khoảng 17.000 tỷ yen, nâng thứ hạng của tập đoàn này trong số các công ty điện tử toàn cầu từ vị trí 30 lên vị trí thứ 12. Sony không còn chỉ là một công ty điện tử nữa. Trong ngành giải trí, tập đoàn này đứng ở vị trí thứ ba, chỉ sau Netflix và The Walt Disney Co.
Thu nhập từ mảng giải trí có thể tăng giảm theo các lượt truy cập, khiến các công ty phải tập trung vào chiến lược tăng trưởng hơn là lợi nhuận ngắn hạn.
Mục tiêu giá cổ phiếu trung bình mà các nhà phân tích đặt ra cho Tập đoàn Sony là khoảng 16.000 yen/cổ phiếu, cao hơn 20% so với thời điểm cổ phiếu đang giao dịch. Một nhà phân tích đặt mục tiêu 20.000 yen/cổ phiếu, con số này sẽ nâng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Sony lên 25.000 tỷ yen, đưa tập đoàn này tiến một bước gần hơn đến việc trở thành công ty giải trí có giá trị nhất thế giới.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top