TP.HCM: Xử lý nghiêm các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các vụ việc liên quan doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 3/8, nhiều nội dung liên quan việc xử lý doanh nghiệp vi phạm chậm nộp bảo hiểm; công tác triệt xóa các ứng dụng cho vay “tín dụng đen” và công tác phòng, chống cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, đã được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.

Về việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm chậm nộp bảo hiểm, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc nợ, trốn đóng bảo hiểm không chỉ làm ảnh hưởng khả năng chi trả của ngành bảo hiểm, mà hậu quả rõ nhất là xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao.

Nhận thức của chính người lao động còn hạn chế, có tâm lý sợ mất việc, không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp cho bản thân.

Ngoài ra, tác động của suy thoái kinh tế và đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ăn thua lỗ; một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, phá sản… không còn đủ nguồn lực để đóng bảo hiểm theo quy định.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, hiện tại Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang xác minh, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các vụ việc liên quan doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình xác minh tin báo, kiến nghị khởi tố liên quan việc trốn đóng bảo hiểm xã hội còn chậm do một số nguyên nhân. Nhiều hồ sơ bảo hiểm xã hội chuyển giao cho cơ quan điều tra chưa đảm bảo giá trị pháp lý.

Nhiều hồ sơ chuyển giao không có chứng từ tài liệu thể hiện hành vi cố tình trốn tránh không đóng bảo hiểm, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan bảo hiểm xã hội đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm.

Trong các kiến nghị khởi tố của cơ quan bảo hiểm xã hội, nhiều trường hợp vi phạm có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động lần đầu, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan bảo hiểm diễn ra đã lâu, có hồ sơ trước thời điểm năm 2017. Nhiều doanh nghiệp hiện đã không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác.

Trong nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản nhằm tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.

Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, cơ quan điều tra cần phải thu thập toàn bộ hồ sơ thanh tra, các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội cũng như bản kết luận của hội đồng giám định chuyên môn. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra của các cơ quan này còn chậm làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm trốn đóng các loại bảo hiểm cần tiến hành xác minh với nhiều người bao gồm đại diện pháp nhân, người lao động, cũng như cần đối chiếu nhiều tài liệu, hồ sơ như bảng lương, hồ sơ, chứng từ… Do đó, thời gian giải quyết các kiến nghị khởi tố thường chậm và khó khăn.

Về công tác triệt xóa các ứng dụng cho vay “tín dụng đen,” Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, thời gian gần đây các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao để núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng di động tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng; tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch còn xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen.”

Các ứng dụng này thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm, tuy nhiên người đi vay sẽ phải trả thêm các loại phí như phí dịch vụ, phí phạt, do đó lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 133 vụ lừa đảo “tín dụng đen,” 206 đối tượng; triệt xóa 27 ứng dụng cho vay “tín dụng đen” như Goldvay, Sugarvay, Findong, Wellvay, Cfcash, Baovay.

Về công tác phòng, chống cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, ông Hồ Hữu Hải, Phó Trưởng phòng cây xanh, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết trường hợp sự cố cây xanh gây tai nạn, thiệt hại tài sản của người dân là rủi ro không mong muốn.

Thời gian qua, khi xảy ra tai nạn cây xanh, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị được giao chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh khi ghi nhận, tiếp nhận sự việc đều phối hợp, hỗ trợ người bị nạn, bị thiệt hại tài sản với sự quan tâm, chia sẻ về tinh thần, vật chất nhằm xoa dịu, giảm thiểu phần nào những rủi ro, thiệt hại, mất mát bởi sự cố không mong muốn gây ra.

Theo ông Hồ Hữu Hải, công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đô thị là một trong những nhiệm vụ được Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thường xuyên và liên tục.

Để đảm bảo an toàn cây xanh, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2023, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai và duy trì thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây, đặc biệt là rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn phân cấp quản lý.

Trong mùa mưa bão, để chủ động phòng ngừa sự cố cây xanh, đảm bảo an toàn cho đường phố, ngoài việc đẩy mạnh các công tác chăm sóc, cắt tỉa, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh còn duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý thay thế cây xanh mất an toàn, cũng như tổ chức công tác ứng trực, tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý nhằm có phản ứng nhanh nhất trong việc khắc phục, xử lý sự cố cây xanh.

Trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đảm bảo an toàn cây xanh đường phố, đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện, xử lý thay thế cây xanh mất an toàn; tổ chức ứng trực 24/24h, chú trọng các thời điểm mưa bão, cũng như tăng cường phương tiện, thiết bị để kịp thời, chủ động xử lý, giải quyết trong mọi tình huống./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top