Không tăng giá dịp lễ, Tết, nói không với “chặt chém,” phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, phát triển làng du lịch cộng đồng… là lựa chọn bền vững mà ngành kinh tế không khói Hà Giang lựa chọn.
Những năm gần đây, Hà Giang trở thành điểm đến “hot” trên bản đồ du lịch Việt. Vùng đất địa đầu Tổ quốc này hấp dẫn du khách bằng văn hóa bản địa và cách làm theo hướng “du lịch 1 giá,” nói không với “chặt chém”… của địa phương.
Đặc biệt, năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tập trung tạo sinh kế bền vững cho người dân từ chính bản sắc độc đáo.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang, ông Lại Quang Tĩnh đã chia sẻ với phóng viên về những kế hoạch hoạt động nổi bật của điểm đến này trong năm mới.
Trải nghiệm một “hành trình hạnh phúc”
– 2023 là một năm khó khăn của du lịch Việt Nam nhưng Hà Giang lại là một trong số ít địa phương đạt lượng khách vượt kế hoạch, xin ông cho biết ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai những hoạt động ra sao và tạo dấu ấn khác biệt thế nào để có được thành công này?
Ông Lại Quang Tĩnh: Có thể nói năm 2023 du lịch Hà Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra từ đầu năm. Chỉ tiêu là 2,5 triệu lượt khách, nhưng đến cuối năm chúng tôi đã đạt hơn 3 triệu khách, tạo ra nguồn thu lớn, đặc biệt tạo việc làm cho bà con nông dân trên chính các vùng mà du khách đến lưu trú và tham quan, tạo ra diện mạo mới cho điểm đến, cho đời sống của đồng bào.
Cho đến thời điểm hiện tại, tôi xin khẳng định du lịch Hà Giang không có chuyện chặt chém, không tăng giá vào những dịp cao điểm lễ, Tết.
Thứ nhất, Hiệp hội Du lịch tỉnh thường xuyên khuyến cáo với các hội viên, các chi hội huyện, thị, thành phố về việc phải giữ du lịch 1 giá và tạo sự thân thiện khác biệt cho du lịch Hà Giang. Làm vậy để khi mọi người đến tham quan, trải nghiệm Hà Giang thì đó sẽ là một hành trình hạnh phúc, đúng như slogan Đến với Hà Giang là hành trình hạnh phúc của chúng tôi. Như vậy, mọi du khách đến với Hà Giang sẽ luôn cảm thấy thoải mái, ra về với cảm xúc tích cực.
Cũng chính vì quán triệt được điều đó mà lượng du khách đến Hà Giang lần thứ nhất, rồi quay trở lại lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba hay hơn thế trong một năm là tương đối nhiều.
Thứ hai, chúng tôi có nhiều điểm đến mới, nhiều tour trải nghiệm mới, ví dụ như Hiệp hội Du lịch có tour Hành quân theo bước chân anh, Hành trình biên cương Xanh. Theo đó, du khách đến Hà Giang sẽ được trải nghiệm cung đường hành quân của các chiến sỹ trong giai đoạn chiến tranh biên giới từ 1979-1989 dài 10-15km, khoác trên mình áo lính, trải nghiệm văn hóa vùng cao, địa hình địa mạo…
Hành trình này đã chạm vào trái tim của rất nhiều du khách và tour du lịch của chúng tôi đã thành công ngoài mong đợi. Năm 2024 chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác những sản phẩm có “màu sắc” tương tự.
Năm 2023 là năm bùng nổ các tour du lịch lịch sử của Hà Giang bởi Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên đã được trùng tu và khánh thành, đi vào hoạt động rất bài bản. Đây là nơi hội tụ linh khí của những hồn thiêng sông núi, những chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh bảo vệ biên cương Tổ quốc được quy tập về để thờ phụng. Hầu hết các đoàn du khách khi đến Hà Giang đều dừng chân ở nghĩa trang này thắp hương tưởng niệm và tri ân. Đó là một trải nghiệm đặc biệt ý nghĩa của du khách trên hành trình đến với Hà Giang.
Làm du lịch để bảo tồn văn hóa
– Vậy trong năm 2024, Hà Giang sẽ khai thác những sản phẩm mới như thế nào để tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa du khách đến trải nghiệm, thưa ông?
Ông Lại Quang Tĩnh: Đầu năm 2024 chúng tôi sẽ tổ chức một hội trại quy mô lớn cho các họa sỹ, nhiếp ảnh gia đến trải nghiệm Hà Giang, sáng tác và tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc để từ đó lan tỏa, quảng bá rộng rãi các điểm đến đẹp tới công chúng.
Những tác phẩm sau đó sẽ được bán đấu giá để Hà Giang trồng cây phủ xanh biên cương. Năm 2023 chúng tôi đã tổ chức rất thành công một chương trình tương tự và năm nay sẽ tổ chức với quy mô lớn hơn nhiều.
Chúng tôi hy vọng sau mỗi chương trình như vậy sẽ trồng được nhiều cây xanh hơn, sẽ có một số tour tổ chức cho du khách trồng cây xanh dọc vùng đất biên cương của Tổ quốc. Tôi nghĩ những hoạt động kết hợp như vậy thực sự ý nghĩa và sẽ được du khách đón nhận nhiệt tình.
Tới giữa năm và cuối năm chúng tôi sẽ có một chuỗi sự kiện, trong đó có tổ chức đua SUP (ván chèo đứng), nhảy dù lượn trên cao nguyên đá, đặc biệt mỗi mùa đều có chuỗi sự kiện nổi bật để tạo sức hấp dẫn du khách.
Với cách làm đó cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương với quan điểm lấy văn hóa làm du lịch, chúng tôi sẽ làm du lịch thành công. Khi du lịch phát triển, chúng tôi sẽ quay trở lại bảo tồn văn hóa. Đó là bước đi bền vững của Hà Giang và chúng tôi cũng xác định trồng cây xanh bảo vệ môi trường là mục tiêu trọng tâm. Tôi tin năm 2024 Hà Giang sẽ đón được 3,5 triệu lượt khách.
– Vậy còn sự đồng hành của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số bản địa – chính là chủ thể của di sản trong việc tạo sinh kế bền vững cho bà con từ du lịch thế nào?
Ông Lại Quang Tĩnh: Cách làm của Hà Giang là làm du lịch nhưng phải giữ gìn và bảo tồn được văn hóa. Về xây dựng thì phải bám vào kiến trúc bản địa. Nếu liên quan tới văn hóa thì phải bám theo nền tảng văn hóa phi vật thể của địa phương, từ ca dao, điệu múa, hò vè của các dân tộc thiểu số. Tôi khẳng định lại, chúng tôi hoạt động du lịch theo kim chỉ nam làm du lịch để bảo tồn văn hóa.
Để bảo tồn được văn hóa thì các doanh nghiệp phải sử dụng lao động địa phương. Ví dụ như H’Mông Vilage của chúng tôi sử dụng tới 99% lao động địa phương. Hà Giang xác định rõ ràng là những lao động địa phương tham gia vào hoạt động du lịch mới là nguồn lực bảo tồn văn hóa. Bởi họ mới chính là chủ thể văn hóa, chỉ có họ mới bảo tồn được văn hóa của chính mình, còn chúng ta chỉ có thể lên kế hoạch và dẫn dắt chứ không thể trực tiếp tham gia vào quá trình ấy.
Việc khuyến khích sử dụng lao động địa phương trong chuỗi các hoạt động du lịch từ nhà hàng, khách sạn đến vận tải, lữ hành, hướng dẫn viên… sẽ giúp người dân bản địa bảo tồn văn hóa, tạo sinh kế cho đồng bào trên chính quê hương mình, giúp họ thoát ly nông nghiệp mà không phải ly hương.
Đặc biệt, trong năm 2024 Hà Giang sẽ triển khai mô hình doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức hợp tác ba bên: Doanh nghiệp – chính quyền địa phương – người dân để xây dựng nên các làng du lịch cộng đồng.
Cách làm du lịch này của Hà Giang sẽ là doanh nghiệp bỏ tiền hỗ trợ người dân bản địa sửa nhà, dạy người dân cách làm du lịch cộng đồng; doanh nghiệp trực tiếp truyền thông và quản trị làng du lịch để biến nó thành làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu và bảo tồn được văn hóa của họ. Chúng tôi muốn giúp người dân tạo sinh kế, làm giàu trên chính quê hương, từ chính vốn văn hóa của mình.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.