Nhiều trải nghiệm thú vị trong mùa du lịch Hè tại Thừa Thiên-Huế

Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng phối hợp với ngành đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung,” theo hình thức kinh doanh vận tải, kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Tuyến tàu hứa hẹn đem lại hành trình ấn tượng cho người dân, du khách. (Ảnh tư liệu: Văn Dũng/TTXVN)

Từ đầu năm 2024 đến nay, Thừa Thiên – Huế đón lượng khách du lịch lớn, tăng cao so với cùng kỳ, nhất là khách quốc tế. Qua đó cho thấy những nỗ lực của địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng sản phẩm du lịch mới, đẩy mạnh các chương trình quảng bá để hấp dẫn du khách.

Mới đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng phối hợp với ngành đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung”, theo hình thức kinh doanh vận tải, kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Việc khai thác du lịch bằng đường sắt góp phần liên kết vùng trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi để du khách trong nước và quốc tế đến với Cố đô Huế được trải nghiệm bằng nhiều loại phương tiện giao thông khác nhau.

Nhà ga Huế được xây dựng năm 1906, là một trong những nhà ga đường sắt mang kiến trúc Pháp còn giữ được vẻ đẹp cổ điển, đang bắt đầu được “đánh thức” để trở thành điểm du lịch hấp dẫn mới.

Việc nâng cấp khu vực phòng chờ sang trọng dành riêng cho du khách thư giãn trước khi lên tàu, cùng với việc trang trí, sắp xếp không gian trong các toa tàu có bố trí khu vực dịch vụ ẩm thực địa phương, âm nhạc… cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và kỳ vọng vào sản phẩm du lịch mới này của hai địa phương.

Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua đèo Hải Vân, nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” để đến với thành phố Đà Nẵng, nơi sở hữu bờ biển dài, được tôn vinh là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Ở chiều ngược lại (Đà Nẵng – Huế), du khách sẽ được đặt chân đến miền đất di sản Cố đô Huế.

Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam – Bắc, với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông.

Đặc biệt, với 2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng hoặc buổi chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp nhất, trên hành trình đẹp nhất thế giới.

Đón mùa du lịch Hè năm nay, Thừa Thiên – Huế sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trong khuôn khổ Chương trình Festival Huế 2024 như: Lễ hội Điện Huệ Nam, Liên hoan múa quốc tế, Chương trình Thuận An biển gọi, Giải chạy marathon, khai mạc Trại sáng tác Điêu khắc quốc tế, Tuần lễ Phật Đản – Phật lịch 2568…

Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức kỷ niệm 15 năm vịnh Lăng Cô được công nhận là Vịnh đẹp thế giới và di tích Hải Vân quan dự kiến sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Việc ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế nỗ lực nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nhiều sản phẩm trải nghiệm mới, mở rộng khai thác du lịch đường sông, suối, thác, biển, đầm phá, du lịch cộng đồng, xúc tiến du lịch tàu biển quốc tế để bổ trợ cho du lịch di sản đã góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút ngày càng đông du khách đến với địa phương.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khu vực Đại Nội Huế và các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế có những ngày đón gần 10.000 lượt khách quốc tế và trong nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Kết quả phục dựng, trùng tu các công trình cung điện trong Tử Cấm Thành Huế nhiều năm qua, đặc biệt là khi Điện Kiến Trung mở cửa đón du khách từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay đã góp phần hoàn thiện không gian hoàng cung xưa, tạo sức hấp dẫn lôi cuốn, lợi thế riêng có của du lịch Thừa Thiên – Huế.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt hơn 891.000 lượt, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 447.000 lượt, tăng hơn 74%; tổng thu từ du lịch ước đạt 1.710 tỷ đồng, tăng hơn 20%./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top