Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn văn hóa Cơ Tu

Để công tác bảo tồn, phục dựng văn hóa đồng bào Cơ Tu tiếp tục phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương luôn đồng hành, kết nối, tạo điều kiện cho các mô hình du lịch sinh thái hoạt động.

                                                                                               Người Cơ Tu ở Đà Nẵng trình diễn các điệu múa Tung Tung Da Dá. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có gần 1.200 người là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, tập trung ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang.

Để công tác bảo tồn, phục dựng văn hóa Cơ Tu tiếp tục phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương luôn đồng hành, kết nối, tạo điều kiện cho các mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn hoạt động; trong đó, khuyến khích người dân khôi phục nghề truyền thống, xây dựng hoạt động trình diễn, bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, kết hợp dịch vụ giới thiệu ẩm thực.

Người đồng bào Cơ Tu vẫn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng như trang phục truyền thống, nhà Gươl, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, múa Tung Tung Da Dá.

Trang phục truyền thống là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu. Nét nổi bật trong trang phục của người Cơ Tu là hoa văn trang trí được dệt trực tiếp bằng hạt cườm với nhiều loại khác nhau: cườm nhựa, cườm chì, cườm mã não. Đi kèm với trang phục là đồ trang sức bằng chất liệu như răng nanh heo, bạc, cườm nhựa, mã não…

Nói tới nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu phải kể đến đến kỹ thuật dệt hoa văn hạt cườm, hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng và kỹ thuật khâu đáp độc đáo. Họ dệt cườm thẳng vào trong sợi chỉ, vào trong sản phẩm chứ không phải dán hoặc đính. Việc sử dụng hạt cườm, chèn cườm, kết cườm hay tạo hoa văn bằng cườm là một thao tác đặc biệt, rất tỉ mỉ và công phu, làm nên giá trị đặc biệt của thổ cẩm, trang phục Cơ Tu.

Đến với đồng bào Cơ Tu, du khách còn được thưởng thức âm vang của tiếng cồng, chiêng rộn rã và những câu hát hào sảng của đồng bào Cơ Tu. Trong những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống đầy màu sắc, hơn 20 người Cơ Tu, cả già trẻ, gái trai cùng biểu diễn điệu múa truyền thống Tung Tung Da Dá cho du khách trong nước và Quốc tế thưởng thức. Đó là hình ảnh quen thuộc tại các mô hình Du lịch Cộng đồng thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Điệu Múa Tung Tung Da Dá là hoạt động không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, dựng nhà Gươl… Với người Cơ Tu, múa Tung Tung Da dá như một cách để kết nối giữa thế giới thực tại với vũ trụ, tổ tiên, ông bà. Tung Tung Da Dá là điệu múa tập thể dành cho cả nam và nữ.

Theo người Cơ Tu, “Tung Tung” là điệu múa của đàn ông, con trai, còn “Da Dá” là điệu múa của đàn bà, con gái. Trong những lần sinh hoạt dân ca dân vũ, tất cả cùng múa và nhịp bước trong cùng một vòng tròn, ngược theo kim đồng hồ, sôi động, rộn ràng trên nền tiếng trống, cồng chiêng vang vọng núi rừng bao la hùng vĩ.

Bên cạnh đó, “Tung Tung” còn được hiểu là vươn lên cao, sôi động hơn, mạnh mẽ hơn và vững chãi hơn, thể hiện khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn vươn lên tầm cao mới, mong cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi con người. “Da Dá,” theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là nhớ ơn đất trời, trung thành với người, kính trên nhường dưới. Trong điệu “da dá”, động tác múa phải uyển chuyển, toát lên sự đằm thắm, chung thủy và không bị khuất phục.

Nhà Gươl là biểu tượng văn hóa mà đồng bào Cơ Tu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cũng đang tiếp tục gìn giữ.

Trong đời sống, nhà Gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó. Trên nóc nhà có con gà trống là con vật linh thiêng, nó giống như vị thần bảo hộ của người Cơ Tu. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây.

Nhà Gươl được làm theo hình mai rùa có cột ở giữa và xung quanh là các cột nhà, thể hiện sự đoàn kết các làng với nhau. Trên những tấm lan can, vách ngăn quanh nhà Gươl là nơi các nghệ nhân dân gian Cơ Tu sáng tác các tác phẩm mỹ thuật, miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội.

                          Nhà Gươl của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí được nâng cấp, sửa chữa trở thành nơi sinh hoạt của người Cơ Tu tại xã Hòa Bắc. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trên các cây xà ngang và xà dọc thường được trang trí các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu hay hoa văn trang trí in đậm bản sắc người Cơ Tu. Đặc biệt là cây cột cái nhà, một tâm điểm trang trí đậm bản sắc người Cơ Tu.

Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được triển khai tại hai thôn Giàn Bí và Tà Lang phát huy có hiệu quả, thường xuyên đón du khách đến tham quan nhà Gươl. Hiện địa phương mong muốn tổ chức các hoạt động thường xuyên để thu hút người dân và du khách đến tham quan, du lịch, phát triển kinh tế người dân bản địa nhưng đang thiếu kinh phí.

Thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, cải tạo 3 nhà Gươl thôn với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, Chính quyền huyện Hòa Vang còn tổ chức cho người dân địa phương tham quan, nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch ở các làng du lịch cộng đồng Cơ Tu vùng cao; phục dựng các lễ hội “Ăn thề kết nghĩa,” “Mừng lúa mới;” tập huấn, khôi phục nghề nấu rượu cần, điêu khắc tượng gỗ và các kỹ năng cần thiết gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống đồng bào Cơ Tu. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một ý thức và phong cách làm du lịch cộng đồng cho chính người dân bản địa, giúp họ có thể hưởng lợi từ du lịch dựa trên thế mạnh và tiềm năng sẵn có ở địa phương.

                                                                                                                        Nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho người Cơ Tu truyền cho nhau.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, huyện đang thí điểm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND năm 2021 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng về phát triển du lịch trên đất nông nghiệp, đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương. Từ đó, xã Hòa Bắc nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung đã có thể phát triển kinh tế nhờ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Du lịch cộng đồng Hòa Bắc đang giữ gìn được các nét văn hóa đặc trưng của người bản địa, đồng thời giữ cảnh quan núi rừng sạch đẹp. Người Cơ Tu nơi đây làm du lịch rất thật lòng, chân tình, hiếu khách nên đã chạm được đến trái tim của du khách. Chính quyền địa phương và người dân sẽ tiếp tục định hướng phát triển du lịch cộng đồng với các sản phẩm đa dạng như nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch học tập, hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học…

Năm ngoái, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Đề án “Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030,” với kinh phí dự kiến hơn 31,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Các chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ di sản văn hóa và người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo, truyền dạy di sản văn hóa; mở rộng giao lưu văn hóa; bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống…/.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top