Trả lời câu hỏi của báo giới chiều 6/12 tại họp báo Chính phủ thường kỳ về vụ việc học sinh xúc phạm, dồn giáo viên vào góc tường xảy ra ở Tuyên Quang mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Vụ việc này rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn làm rõ các vấn đề dạy thêm học thêm và bạo lực học đường. Ảnh: VGP
Hiện tại, dư luận vẫn không khỏi choáng váng trước vụ việc học sinh xúc phạm, dồn giáo viên vào góc tường xảy ra ở Tuyên Quang.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi về UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị: UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc.
“UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường: Trước tiên cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo để có những biện pháp xử lý nghiêm. Chúng ta cần làm rõ trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và lãnh đạo nhà trường?; những gì liên quan đến học sinh và trách nhiệm của phụ huynh? Chúng ta phải xem xét tổng thể để có biện pháp xử lý vướng mắc; đồng thời phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này”, ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận: Thời gian qua cũng có những vụ việc tương tự diễn ra. Bạo lực học đường đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. “Biện pháp xử lý kỷ luật đối với một vụ việc là cần thiết nhưng chỉ là trước mắt, căn cơ hơn là biện pháp giáo dục và công tác quản lý”, ông Hoàng Minh Sơn cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, việc đánh giá, rà soát lại công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng cần phải được xem xét lại, từ khẩu đào tạo, bồi dưỡng đến quá trình sử dụng, tuyển dụng. Trong đó đánh giá về chuyên môn và phẩm chất, những kỹ năng xử lý đối với các giáo viên môn học và giáo viên chủ nhiệm.
“Công tác giáo dục tuyên truyền học sinh trong nhà trường cần thực hiện tốt như thế nào? Bộ đã có những văn bản hướng dẫn đầy đủ nhưng công tác triển khai, đánh giá năng lực, kỹ năng của từng nhà giáo cũng cần phải được rà soát, đánh giá lại. Một vụ việc như vậy dẫn đến nhiều hậu quả nên phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để ngăn vụ việc tương tự xảy ra. Trong quan hệ thầy trò, trong tư tưởng, đạo đức, diễn biến tâm lý… người quản lý lớp phải có những biện pháp quản lý, theo dõi”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Hiện, việc giáo dục các em học sinh không chỉ là trách nhiệm trong nhà trường mà trong mỗi gia đình cũng cần được chú trọng, và xem xét cụ thể từng trường hợp. Việc giáo dục học sinh cũng còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nếu văn hoá trong xã hội từ văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử, văn hoá trên mạng… được làm tốt thì sẽ tác động rất tích cực đến tâm lý và hành vi của học sinh.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục để làm tốt công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt về tư tưởng đạo đức và công tác quản lý để phối hợp với phụ huynh.
Trước đó, những đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội cho thấy cô giáo Phan Thị H. (38 tuổi) dạy Âm nhạc ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã cầm dép rượt đuổi học sinh trong một lớp học. Trong một clip khác, cô giáo bị một nhóm học sinh ném giấy, dép vào người, xúc phạm và đóng cửa lớp để cô không ra ngoài được. Khi bị ném chiếc dép vào đầu, cô giáo đã ngất xỉu. Vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 29/11.
Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh, giải quyết vụ việc. Ngày 30/11, Phòng GD&ĐT, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh, đề xuất biện pháp xử lý. Trường cũng đã tổ chức họp toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh lớp 7C, 6A để tuyên truyền đến các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức học sinh, không để xảy ra sự việc như trên.