Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương về chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định hiện hành, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vốn vay và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Theo đó, cử tri Bình Dương cho rằng, hiện tại mức lãi suất tiền gửi thấp nhưng lãi suất cho vay cao. Vì vậy, cử tri Bình Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh, cân đối chênh lệch lãi suất tiền gửi và tiền vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản tiền vay của ngân hàng để phát triển kinh tế, ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất là một trong các công cụ chính sách tiền tệ được quy định tại Điều 10 Luật Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo luật định; đồng thời Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành lãi suất kết hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 – 2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng và 4 lần tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm tối thiểu 1,5 – 2%/năm).
Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022). Đến ngày 20/12/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,9%/năm và 6,7%/năm giảm khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022). Đến ngày 20/12/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,9%/năm và 6,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn) ở mức 4,0%/năm.
Thống đốc nhấn mạnh với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác của Ngân hàng Nhà nước dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.
Thời gian tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.