Ngày 22/3, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bất ngờ thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở kỳ ngắn hạn, trong khi các ngân hàng khác vẫn tiếp tục giảm, đưa mức lãi suất cao nhất hiện nay xuống dưới 5% cho kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất 6% đã chính thức bị “xóa sổ” ở tất cả kỳ hạn của các ngân hàng. Ảnh minh họa
Cụ thể, biểu lãi suất mới nhất của Eximbank tăng 0,3 điểm phần trăm cho kỳ hạn 1 – 3 tháng, với lần lượt ở mức 3,1 – 3,4%/năm; các kỳ hạn còn lại vẫn giữ nguyên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 – 9 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,9%/năm, kỳ hạn 15 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 18 tháng là 5,1%/năm và kỳ hạn 24 – 36 tháng là 5,2%/năm.
Trong khi đó, ngân hàng CBBank lại trở thành ngân hàng tiếp theo giảm lãi suất huy động với mức giảm đến 0,5 điểm phần trăm lãi suất tại tất cả các kỳ hạn. Đây là lần đầu tiên trong tháng 3, CBBank thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trước đó, ngân hàng này đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất trong tháng 2.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến CBBank có hiệu lực từ hôm nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng chỉ còn 3,1%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng còn 3,3%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 4%/năm, kỳ hạn 7 – 11 tháng còn 3,95%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 4,15%/năm, từ 13 – 36 tháng là 4,4%/năm.
Tương tự, Ngân hàng OceanBank lần đầu tiên sau 2 tháng đã giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, từ 0,2 – 0,5 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 – 2 tháng là 2,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,1%/năm, kỳ hạn 4 – 5 tháng là 3%/năm, kỳ hạn 6 – 7 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 8 tháng là 3,8%/năm, kỳ hạn 9 – 11 tháng là 4,1%/năm, kỳ hạn 12 – 15 tháng là 4,9%/năm và lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,2%/năm thuộc về các kỳ hạn từ 18 – 36 tháng.
Trong ngày 22/3, TPBank cũng giảm lãi suất trực tuyến 1 tháng xuống 0,3 điểm phần trăm, còn 2,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,8%/năm. Đây cũng là mức giảm đối với kỳ hạn 6 tháng khi lãi suất của kỳ hạn này chỉ còn 3,8%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, TPBank giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm, còn 4,7%/năm. Các kỳ hạn 18 – 36 tháng được giữ nguyên mức lãi suất cũ, dao động từ 5 – 5,2%%/năm.
Nhìn chung, lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay đều dưới 5%/năm, trừ duy nhất ngân hàng Vietbank là cao nhất với 5,3%/năm. Theo đó, lãi suất huy động từ 6% đã chính thức bị “xóa sổ” ở tất cả các kỳ hạn của các ngân hàng.
Biểu lãi suất của các ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì giảm lãi suất trong thời gian dài do thanh khoản dồi dào, trong khi đó tín dụng vẫn duy trì thấp so với kỳ vọng. Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 7 phiên phát hành tín phiếu liên tiếp, hút gần 100.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Đây là số tiền không lưu thông trong nền kinh tế và sẽ được NHNN bơm trả hệ thống từ ngày 8/4.
Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng của nhà điều hành, qua đó gián tiếp kiềm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND vốn đang chịu nhiều áp lực và đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại quay đầu giảm trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua. Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã giảm về còn 0,79% trong phiên 15/3, từ mức 1,21% ghi nhận tại phiên 14/3 và 1,47% vào phiên 13/3.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty chứng khoán SSI cũng chỉ rõ, mục đích phát hành tín phiếu của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất ở thị trường 1.
Các chuyên viên phân tích cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể được xem như một cách thức nhằm điều chỉnh thanh khoản ngắn hạn trên trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các NHTW. Vì vậy, những đợt giảm lãi suất mới sẽ là cơ hội cho người vay mới được hưởng lãi suất thấp và ưu đãi. Đây cũng là cơ hội để kích thích nền kinh tế phát triển và tăng trưởng tron thời gian tới.
Tuy nhiên, SSI cũng khẳng định hành động trên không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Theo đó, SSI cũng cảnh báo rằng, với áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh, NHNN có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.