Tờ The Financial Post đăng bài phân tích đề cập tới các yếu tố khiến BoC chưa thể cắt giảm lãi suất ngay lập tức, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chi phí nhà ở tăng cao.
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC). Ảnh: Reuters
Tờ The Financial Post ngày 21/2 đăng bài phân tích đề cập tới các yếu tố khiến Ngân hàng trung ương Canada (BoC) chưa thể cắt giảm lãi suất ngay lập tức, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chi phí nhà ở tăng cao.
Bài viết dẫn báo cáo phân tích của Ngân hàng TD cho rằng lạm phát nhà ở tăng cao đang khiến BoC gặp khó khăn trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Báo cáo nhận định rằng chính giá nhà ở hiện nay cũng khiến cho mặt bằng lãi suất bị duy trì ở mức cao trong thời gian dài, bởi lạm phát chỗ ở chiếm hơn 30% trong rổ chỉ số giá tiêu dùng tại Canada.
Theo đó, BoC đang “mắc kẹt” trong các quyết sách về lãi suất. Việc lạm phát nhà ở chiếm khoảng một nửa lạm phát tổng thể đã trở thành rào cản lớn nhất ngăn cản BoC đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, lạm phát chỗ ở đã tăng 6,2% trong tháng 1/2024, cao hơn 0,2% so với tháng trước đó. Sự mất cân bằng cung-cầu gây áp lực lên lạm phát tiền thuê nhà, khi giá nhà thuê trong tháng 1/2024 đã tăng 7,8% từ mức 7,5% của tháng 12/2023.
Việc tăng lãi suất của BoC vẫn tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế, với chi phí lãi vay thế chấp tăng 2,74% trong tháng trước. Cả hai chỉ số giá nhà thuê và chi phí lãi vay thế chấp tăng đã khiến lạm phát nhà ở tại Canada liên tục giữ ở mức cao.
Báo cáo của Ngân hàng TD còn cho biết lạm phát chỗ ở sẽ chưa thể sớm hạ nhiệt và sẽ được duy trì ở mức trung bình 6% trong năm 2024. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tham vọng đạt được mục tiêu lạm phát 2% của BoC là không thể xảy ra trong năm nay.
Báo cáo nhận định Thống đốc BoC Tiff Macklem đang phải giải bài toán khó là cắt giảm hay không cắt giảm lãi suất. Nếu cắt giảm lãi suất quá sớm, liệu nó có gây ra lạm phát ở phía cầu hay không? Hoặc nếu tiếp tục trì hoãn cắt giảm thì chi phí lãi suất thế chấp và lạm phát tiền thuê nhà sẽ ở mức cao và gây tác động tiêu cực trong bao lâu nữa?
BoC từng tuyên bố sẽ không cắt giảm lãi suất quá nhanh, vì sợ làm tăng thêm lạm phát chỗ ở. Nhưng Ngân hàng TD lại cho rằng kể cả có cắt giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn cũng chưa thể tác động nhiều đến lạm phát trong lĩnh vực nhà ở. Việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ khiến chi phí lãi vay thế chấp và tiền thuê nhà giảm nhanh hơn, nhưng giá nhà đất cũng có thể sẽ tăng nhanh hơn.
Ngân hàng TD dự báo lạm phát tiền thuê nhà của Canada sẽ vẫn ở mức cao trong khoảng thời gian dài hơn, trong bối cảnh dân số tăng trưởng mạnh và thiếu nguồn cung nhà ở. Điều này sẽ khiến lạm phát chỗ ở vẫn ở mức cao trong hai năm tới.
BoC hiện vẫn đang sử dụng ba thước đo lạm phát cốt lõi, để định hướng chính sách tiền tệ của mình, trong đó có chi phí về chỗ ở. Tuy nhiên, Ngân hàng TD cho rằng những biện pháp này không nên đồng hành cùng nền kinh tế do vấn đề hiện nay đã trở nên quá nóng.
Điều đó sẽ làm lu mờ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, khi đưa ra các quyết định về lãi suất, bởi việc duy trì lãi suất ở mức cao sẽ kéo dài tình trạng khó khăn về tài chính cho người dân.
Báo cáo của Ngân hàng TD nhận định nếu BoC tiếp tục xem xét lạm phát bằng quan điểm hiện nay thì người Canada sẽ phải chịu thêm sức ép của chính sách lãi suất cao đang đè nặng lên lưng họ trong thời gian dài hơn.
Bài báo kết luận lạm phát nhà ở vẫn là “cái gai” lớn đối với BoC. Nó không biến mất cho dù các nhà hoạch định chính sách có quyết định cắt giảm lãi suất sớm hay muộn. Do đó, BoC nên tập trung vào bức tranh kinh tế chung để đưa ra những quyết định của mình.