Ở Việt Nam các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến xây dựng truyền thông thương hiệu, tuy nhiên mức độ đầu tư thì vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng sản phẩm của mình làm đến đâu bán hết đến đó nên không cần truyền thông. Đây là quan niệm sai lầm trong thời đại kinh doanh số và sự phát triển của các thương hiệu. Văn Hoá đã có cuộc trao đổi chuyên gia truyền thông thương hiệu, nhà báo Trần Toản về vấn đề này.
Chuyên gia truyền thông, nhà báo Trần Toản
. P.V: Là nhà báo chuyên về lĩnh vực kinh tế, và là chuyên gia tư về truyền thông thương hiệu, tái cơ cấu doanh nghiệp, xin bà cho biết hiện nay các doanh nghiệp quan tâm đến việc truyền thông như thế nào, có khác gì so với 10 năm trước?
– Chuyên gia truyền thông thương hiệu, nhà báo Trần Toản: Ở Việt Nam các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến xây dựng truyền thông thương hiệu tuy nhiên mức độ đầu tư thì vẫn còn hạn chế. Đâu đó vẫn còn là một lĩnh vực, một số đơn vị chưa đầu tư quan tâm một cách thực sự, kể cả trong phân bổ ngân sách cũng như tư duy của một số lãnh đạo doanh nghiệp. Tôi thường làm việc với hai đối tượng một là các doanh nghiệp do các ông chủ tự thân gây dựng theo mô hình gia đình, chủ các doanh nghiệp này rất giỏi, nhạy bén trên thương trường, nhiều doanh nhân có số tài sản khổng lồ, nhưng tại một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến truyền thông thương hiệu hay nói cách khác là việc xây dựng, phát triển truyền thông dường như bị bỏ ngỏ. Nhóm thứ hai là các startup rất non kinh nghiệm, có ý tưởng, nhiệt huyết, có coi trọng nhưng chưa có nhiều kiến thức về truyền thông thương hiệu cũng như ngân sách dành cho truyền thông.
Họ chưa thực sự quan tâm bởi chưa đánh giá đúng vai trò truyền thông thương hiệu. Đã có một số đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phòng, ban truyền thông rồi nhưng chưa định vị đúng và chưa phát huy được vai trò. Có nhiều người hiểu truyền thông thương hiệu chỉ là giới thiệu ra bên ngoài các sản phẩm, dịch vụ, hành hóa để tiếp cận khách hàng, bán được sản phẩm, như vậy là chưa đầy đủ. Truyền thông thương hiệu quan trọng để tạo dựng niềm tin, thanh đổi quan điểm, hành vi của khách hàng và đặc biệt nó giúp nâng cao giá trị thương hiệu và cũng qua đó doanh nghiệp nhận được các ý kiến phản hồi từ khách hàng để hoàn thiện, phát triển sản phẩm hàng hóa theo thị hiếu người dùng. Với nhiều các kênh truyền thông, tùy vào chiến dịch truyền thông thương hiệu mỗi đơn vị sẽ có chiến lược riêng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ quan tâm tới truyền thông bên ngoài mà quên mất truyền thông nội bộ. Để xây dựng một chiến lược truyền thông đầy đủ các doanh nghiệp cần coi trọng cả 2 kênh truyền thông này. Nếu chúng ta bỏ 1 trong 2 kênh, doanh nghiệp khó phát triển lâu bềnh và vững mạnh. Ví dụ như doanh nghiệp thường quan tâm đến câu hỏi: “Ôi làm thế nào để khách hàng biết được sản phẩm của chúng ta?”. Nhưng đầu tiên cần làm là mỗi nhân viên trong doanh nghiệp phải biết đến, phải thấu hiểu giá trị của sản phẩm mình làm ra, nếu làm tốt truyền thông nội bộ thì mỗi nhân viên sẽ là một nhân viên truyền thông ra bên ngoài. Truyền thông nội bộ có tầm quan trọng không kém gì với truyền thông bên ngoài.
. Xin bà có thể giải thích thêm về truyền thông nội bộ và truyền thông ra bên ngoài?
– Hiểu một cách đơn giản, đơn cử như đối với một doanh nghiệp khi làm ra sản phẩm nào đó, thì người đầu tiên yêu sản phẩm đó phải là chính là công nhân viên của công ty. Và người hiểu, yêu công ty, trân trọng thương hiệu đầu tiên cũng phải là nhân viên của mình. Khi họ yêu công ty, thấu hiểu, tâm huyết mới làm ra những sản phẩm tốt nhất, hoàn chỉnh nhất. Nếu không mang chữ “tâm”, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp vào trong sản phẩm thì không thể tạo ra những sản phẩm tốt được. Và khi có những sản phẩm tốt thì truyền thông thương hiệu mới có thể tự tin để đưa hàng đó ra ngoài. Xét trên bình diện tổng thể khi truyền thông nội bộ tốt sự đoàn kết, gia tăng niềm tin vào công việc, vào doanh nghiệp của mỗi nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn.
Do đó, với các đơn vị mà tôi làm việc, tư vấn, tôi luôn ưu tiên xem xét, kiện toàn truyền thông nội bộ song song với phát triển truyền thông bên ngoài.
Chuyên gia truyền thông, nhà báo Trần Toản với các học sinh dân tộc thiểu số
. Bà đã từng tư vấn, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu. Vậy khó khăn trong việc xây dựng chiến lược này là gì?
– Kinh nghiệm cho thấy, khó khăn nhất trong xây dựng chiến lược truyền thông không phải xây dựng bằng cách nào, mà bước đầu tiên bắt buộc phải thành công đó là thuyết phục được chủ doanh nghiệp coi trọng truyền thông. Một số ông chủ doanh nghiệp gia đình rất giỏi kinh doanh, bao nhiêu năm rồi họ vẫn kinh doanh tốt và họ cảm thấy rằng không có vấn đề gì xảy ra nếu không làm truyền thông thương hiệu. Tự nhiên phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư con người, vật chất vào đó chắc gì nó sẽ tốt hơn? Đó là những suy nghĩ của nhiều chủ doanh nghiệp, cũng bởi vì họ chưa từng, hay đầu tư cho truyền thông bài bàn nên họ chưa có niềm tin vào giá trị mà truyền thông thương hiệu mang lại.
Do đó, áp lực đầu tiên mà mình phải làm chính là thuyết phục được chủ doanh nghiệp. Có những ông chủ phải mất vài năm mới thay đổi được định kiến về truyền thông, mới cởi mở trao đổi với mình. Nhiều chủ doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ quan điểm sản phẩm của họ đang bán chạy lắm rồi, còn không kịp phục vụ người tiêu dùng thì làm truyền thông thương hiệu làm gì. Hay doanh nghiệp họ đang làm ăn tốt, không cần truyền thông. Nhưng cái gì đã là quy luật thì sớm hay muộn các đơn vị đều phải theo sự phát triển chung, các mặt hàng, các sản phẩm, các doanh nghiệp đều phải làm truyền thông. Để làm gì? Để làm nền móng vững chắc cho doanh nghiệp của mình và nó là sự phát triển mang tính chất tất lẽ. Truyền thông làm cho sản phẩm đó được nâng cao giá trị rất nhiều lần và đo lường được sự yêu thích của người tiêu dùng. Ông chủ có tài giỏi đến đâu mà sản phẩm của mình không đi được lâu dài với người tiêu dùng, không phát triển được các dòng sản phẩm mới, phát triển không kịp với xu hướng hoặc chậm lại thì sẽ rất lãng phí.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần định hướng sản phẩm của mình vượt ra khỏi lãnh thổ, do vậy nếu không có thương hiệu thì sẽ khó tiếp cận đến thị trường tiềm năng. Vì thương hiệu và chứng nhận thương hiệu là nguyên tắc đầu tiên để đàm phán kinh doanh.
. Xin cám ơn bà.