Cuộc khủng hoảng ngân sách ở Đức đã làm dấy lên những lời kêu gọi cải cách các giới hạn vay vốn từ chính những người thuộc phe đối lập bảo thủ.
Các đồng tiền giấy euro. Ảnh: IRNA/TTXVN
Cuộc khủng hoảng ngân sách ở Đức đã làm dấy lên những lời kêu gọi cải cách các giới hạn vay vốn từ chính những người thuộc phe đối lập bảo thủ, khi “cơn khát” đầu tư đã lấn át những nỗi ám ảnh trước đó về chính sách tài khóa.
Tòa án Hiến pháp Đức hồi giữa tháng này đã ra phán quyết chống lại việc điều chuyển 60 tỷ euro (65,6 tỷ USD) chưa sử dụng từ các chương trình viện trợ trong đại dịch COVID-19 sang quỹ cho quá trình chuyển đổi xanh. Động thái đó đã khiến các kế hoạch tài chính do liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Phán quyết cũng nói rằng chính phủ của ông Scholz cùng các chính phủ tương lai sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn tinh thần “hãm phanh nợ”, hạn chế thâm hụt ngân sách cơ cấu của chính phủ ở mức tương đương 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngay cả khi nhu cầu chi tiêu tăng.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị lo ngại Berlin sẽ không có đủ nguồn tài trợ ứng phó với những thách thức ngày càng tăng, từ biến đổi khí hậu đến xung đột. Các nhà kinh tế cho biết, Đức đã trải qua nhiều năm thiếu hụt đầu tư và chính điều đó đã góp phần vào tình trạng trì trệ hiện nay của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo công ty xếp hạng tín nhiệm Scope Ratings, lượng đầu tư của Đức trong thập kỷ qua đã thấp hơn khoảng 300 tỷ euro so với các nền kinh tế được xếp hạng AAA khác.
Những lời kêu gọi cải cách hệ thống “phanh nợ” đang gia tăng, ngay cả trong số những người bảo thủ dù chính khiếu nại của họ đã dẫn đến phán quyết của tòa án.
Thủ hiến bang Sachsen-Anhalt theo phái bảo thủ Reiner Haseloff cho hay, vấn đề ở đây là các khoản đầu tư chiến lược và phải có cách nào đó để tài trợ cho chúng. Nếu không, những công nghệ này sẽ chuyển đến Mỹ.
Một số khác thậm chí còn bắt đầu vận động công khai đòi cải cách. Thị trưởng Berlin Kai Wegner cho biết nước Đức phải cẩn trọng trước rủi ro rằng biện pháp hạn chế nợ sẽ ngày càng trở thành lực cản đối với tương lai nền kinh tế.
Tuy nhiên, cải cách hệ thống phanh có nghĩa là thay đổi hiến pháp, đòi hỏi phải có đa số 2/3 trong Quốc hội đồng ý thông qua. Và quá trình này còn một chặng đường dài gập ghềnh trước mắt.
Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Friedrich Merz vẫn cho rằng nước Đức nên duy trì việc hạn chế vay nợ. Quan điểm này được nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái khác chia sẻ. Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức hồi cuối tuần cho biết, vấn đề cải cách hiện không nằm trong chương trình nghị sự.
Nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ING cho biết việc chính phủ phải đình chỉ biện pháp “phanh nợ” trong năm thứ tư liên tiếp là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Đức cần phải cải cách.
Theo ông, biện pháp hạn chế trên được đưa ra khi châu Âu gặp vấn đề về tính bền vững của nợ công sau khủng khoảng tài chính 2008-2009 và Đức muốn thành tấm gương đi đầu. Giờ đây, Đức đang gặp phải vấn đề về tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Ông Brzeski nhấn mạnh khi thời thế thay đổi, chính sách kiểm soát nợ cũng cần phải thay đổi.
Ông cho biết, tỷ lệ nợ trên GDP của Đức chỉ ở mức trên 60% một chút, trong khi ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha là trên 100%.
Các chính trị gia bảo thủ vẫn lo ngại việc cải cách chính sách cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tình trạng nới lỏng tài chính quá mức ở trong nước và gián tiếp tác động tới nhiều khác ở châu Âu. Để tránh điều đó, họ đang đề xuất các giải pháp hẹp hơn như tạo quỹ ngoài ngân sách mới trong Hiến pháp, hay miễn trừ tất cả các khoản đầu tư vào quân sự cũng như hỗ trợ cho Ukraine khỏi yêu cầu hạn chế nợ.
Đức đã đưa ra biện pháp “phanh nợ” với sự đồng thuận giữa các đảng phái chính trị vào năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Nhưng Đức đã phải tạm dừng biện pháp trên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 – điều mà chính phủ được phép làm trong “trường hợp khẩn cấp đặc biệt”. Kể từ đó, các cuộc khủng hoảng tiếp tục chồng chất, buộc nước này phải viện đến các quỹ ngoài ngân sách nhiều hơn, ngay cả khi các khoản nợ trở nên đắt đỏ hơn do lãi suất tăng.