Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Italy vẫn tăng hàng năm, nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với mức năm ngoái. Điều này có nghĩa là giá cả tại Italy nhìn chung vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo dữ liệu mới nhất, được Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 3/2024 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 0,8% trong 2 tháng đầu năm.
Giá năng lượng giảm khiến tỷ lệ lạm phát hàng tháng trong tháng Ba không thay đổi so với tháng trước. Các dự báo trước đó đã dự đoán mức tăng lạm phát hàng năm là 1,3% và mức tăng lạm phát hàng tháng là 0,1% trong tháng Ba.
Ông Paolo Pizzoli, nhà kinh tế của ING phụ trách Italy và Hy Lạp, nhận xét rằng “xu hướng lạm phát thấp tại Italy chủ yếu được thúc đẩy bởi tác động cơ bản của thành phần hàng hóa năng lượng, do giá khí đốt tự nhiên giảm”.
Còn ông Nicola Nobile, nhà kinh tế học tại Oxford Economics phụ trách Italy và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nói thêm: “Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục ở dưới mức mục tiêu 2% của ECB trong cả năm 2024, với mức trung bình chỉ trên 1%, thấp hơn tỷ lệ lạm phát của toàn bộ khu vực đồng euro.”
Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Italy vẫn tăng hàng năm, nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với mức năm ngoái. Điều này có nghĩa là giá cả tại Italy nhìn chung vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.
Trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ cụ thể, giá thực phẩm chưa qua chế biến tăng 2,6%, giảm so với mức 4,4% của cùng kỳ năm trước. Thực phẩm chế biến và rượu có mức tăng hàng năm là 2,8%, thấp hơn so với mức 3,4%.
Ngược lại là lạm phát dịch vụ vận tải đã tăng ở mức 4,5%, so với 3,8% của cùng kỳ năm ngoái.
Giá năng lượng, mặc dù vẫn đang giảm đáng kể, nhưng tốc độ giảm cũng chậm hơn khi so sánh với kết quả đạt được vào năm 2023.
Các sản phẩm năng lượng không được điều tiết cho thấy mức giảm giá hàng năm là 10,3%, so với mức giảm 17,2%, trong khi các sản phẩm năng lượng được điều tiết giảm 13,8%, so với mức giảm 18,4% của cùng kỳ năm 2023.
Kể từ những tháng cuối năm 2023, lạm phát tại Italy đã hạ nhiệt với tốc độ nhanh hơn so với Khu vực đồng euro, một phần giá năng lượng đã tăng đột biến tại nước này sau khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu, Italy đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì nước này phụ thuộc tương đối nhiều vào khí đốt tự nhiên để sản xuất điện.
Lãi suất cao do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra cũng góp phần hạ nhiệt mức tăng giá ở Italy, do chi phí vay tăng cao đã khiến các công ty và hộ gia đình không muốn vay tiền.
Cuộc họp tiếp theo của ECB sẽ được tổ chức vào ngày 6/6 tới. Các chuyên gia đang hy vọng vào một sự hạ cánh nhẹ nhàng, nghĩa là các nhà kinh tế sẽ có thể khiến lạm phát giảm mà không gây ra suy thoái kinh tế.