Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá gạo thế giới trong tháng 7 cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 19,7%, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9-2011. Mức giá tăng cao nhất đến từ Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. 

Một trong các nguyên nhân chính được FAO đề cập là lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ kể từ ngày 20-7 nhằm kìm hãm lạm phát lương thực trong nước. 

Dù gạo tẻ thường chỉ chiếm một phần tỉ trọng gạo xuất khẩu nhưng vì Ấn Độ chiếm tới hơn 40% hoạt động thương mại gạo toàn cầu nên vẫn “làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực đối với một bộ phận lớn dân số thế giới” – theo FAO.

Khí hậu khắc nghiệt là nguyên nhân tiếp theo. Báo cáo của FAO nêu rõ: “Những lo ngại về tác động tiềm ẩn của El Nino càng khiến giá cả tăng lên”. 

Mới đây, chính phủ Thái Lan khuyến nghị nông dân giảm vụ mùa lúa do tình hình thiếu nước ngày càng đáng ngại. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan – được xem là giá gạo tiêu chuẩn của châu Á – đã tăng lên 648 USD/tấn trong tuần này.

El Nino – được dự báo gia tăng trong các tháng cuối năm – có thể làm trầm trọng thêm rủi ro đối với sản xuất toàn cầu tại các vựa lúa hàng đầu ở châu Á như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam.

Công nhân làm việc tại kho gạo của một ngôi chợ ở TP Navi Mumbai – Ấn Độ hôm 4-8 Ảnh: REUTERS

“Trong vài tháng tới, hướng đi của giá gạo toàn cầu sẽ được quyết định bởi tác động của El Nino” – ông Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao tại Ngân hàng Nông nghiệp và Thực phẩm toàn cầu Rabobank, nói với kênh CNBC

Trong khi đó, ông Samarendu Mohanty, Giám đốc khu vực châu Á tại Trung tâm Khoai tây quốc tế, nhận định giá gạo có thể còn cao hơn nếu các nước nhập khẩu cố gắng dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực và các nước xuất khẩu siết thêm xuất khẩu.

Theo Bloomberg, gạo là lương thực đặc biệt quan trọng của hàng tỉ người châu Á và châu Phi, chiếm tới 60% tổng lượng calo trong bữa ăn ở Đông Nam Á và châu Phi, thậm chí lên tới 70% ở một số nước, như Bangladesh. Đợt tăng giá mới làm gia tăng căng thẳng đối với thị trường thực phẩm toàn cầu vốn đã chao đảo vì thời tiết khắc nghiệt và xung đột leo thang ở Ukraine.

Ông Peter Timmer – giáo sư danh dự tại Trường ĐH Havard, chuyên gia về an ninh lương thực – dự báo giá gạo có thể tăng thêm 100 USD/tấn trong vòng 6-12 tháng tới. Để giảm bớt áp lực giá, nhà kinh tế cấp cao Chua Hak Bin từ Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank (Singapore) cho rằng cần sự phối hợp từ các biện pháp kiểm soát giá cả nghiêm ngặt của chính phủ và chính sách trợ cấp lương thực ở những quốc gia tiêu thụ nhiều gạo.

Không chỉ giá gạo, các nhà phân tích đang cảnh báo về một kỷ nguyên biến động mới của giá lương thực toàn cầu. 

Theo tờ The New York Times, còn nhiều yếu tố khác đang gây áp lực lên giá lương thực – thực phẩm nói chung, bao gồm chi phí lao động tăng khi giá nhân công cố gắng theo kịp lạm phát. Các nhà sản xuất lương thực – thực phẩm cũng có thể đẩy giá thêm nữa để tăng lợi nhuận. So với đầu năm 2020, giá thực phẩm đã tăng khoảng 30% ở châu Âu và tăng 23% ở Mỹ.