Theo các chuyên gia, nợ công tăng cao kỷ lục, căng thẳng địa chính trị đe dọa chia cắt hệ thống thương mại toàn cầu và tình trạng năng suất tăng chậm kéo dài có nguy cơ kìm hãm đà tăng trưởng.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Nợ công tăng cao kỷ lục, căng thẳng địa chính trị đe dọa chia cắt hệ thống thương mại toàn cầu và tình trạng năng suất tăng chậm kéo dài có nguy cơ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thế giới.
Nội dung trên được đưa ra trong bản nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị các Ngân hàng Trung ương Jackson Hole do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức tại bang Wyoming (Mỹ) cuối tuần qua.
Theo các nhà hoạch định chính sách kinh tế quan trọng của thế giới, việc các chính phủ liên tiếp chi những khoản tiền khổng lồ để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu và hậu quả từ đại dịch COVID-19 đã khiến gánh nặng nợ công tăng vọt trong 15 năm qua và khó có khả năng “đảo ngược” tình trạng này.
Nghiên cứu nêu rõ kể từ năm 2007, nợ công toàn cầu đã tăng trung bình từ tương đương 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 60% GDP. Thậm chí tại các nước tiên tiến, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Điển hình là Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang có khoản nợ chính phủ cao hơn GDP. Cách đây 15 năm, nợ công của Mỹ tương đương khoảng 70% GDP.
Chuyên gia Serkan Arslanalp – Nhà kinh tế học tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Giáo sư Barry Eichengreen tại Đại học California (Mỹ) chỉ ra rằng bất chấp những lo ngại về việc tăng trưởng dựa trên đòn bẩy nợ công cao, việc giảm nợ khó có thể thực hiện được trên thực tế. Điều này cho thấy có một sự thay đổi đáng kể so với trước đây, khi các quốc gia đã thành công giảm tỷ lệ nợ trên GDP.
Theo hai tác giả của nghiên cứu, nhiều nền kinh tế sẽ không thể giải quyết được gánh nặng nợ nần do dân số già đi. Vì vậy, những nền kinh tế này sẽ cần nguồn tài chính công mới cho các nhu cầu như chăm sóc sức khỏe và lương hưu.
Trong khi đó, lãi suất tăng mạnh từ mức thấp nhất lịch sử cũng đang làm tăng thêm chi phí trả nợ và sự chia rẽ chính trị đã khiến thặng dư ngân sách của các quốc gia khó đạt được, thậm chí là khó duy trì mức hiện tại.
Hai Nhà kinh tế Arslanalp và Eichengreen nhấn mạnh lạm phát, trừ khi bất ngờ tăng lên trong một thời gian dài, sẽ không làm giảm tỷ lệ nợ và việc tái cơ cấu nợ đối với các nước đang phát triển đã trở nên khó khăn hơn, khi nhóm chủ nợ ngày càng mở rộng.
Hai tác giả lưu ý các chính phủ sẽ phải chật vật với những khoản nợ cao tiếp nối từ chính phủ này sang chính phủ khác. Điều này đòi hỏi các chính phủ phải tập trung nhiều hơn vào việc giới hạn chi tiêu, xem xét tăng thuế và cải thiện quy định của các ngân hàng để tránh những vụ vỡ nợ có thể xảy ra.
Trong cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị, Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng: “Các nước đang ở trong tình thế mong manh hơn. Họ sử dụng nhiều nguồn lực tài chính để đối phó với đại dịch. Sau đó, bạn có các lực lượng định hướng chính sách, sự chia rẽ địa kinh tế, căng thẳng thương mại…”.
Chuyên gia này cho rằng nếu một phần thế giới đi đến điểm bế tắc, không có sự bứt tốc và có dân số đông, điều đó sẽ gây ra áp lực rất lớn về nhân khẩu học và di cư.
Theo ông Gourinchas, tăng trưởng kinh tế toàn cầu khả năng sẽ ổn định theo xu hướng khoảng 3%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 4% từng được dự báo khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh đẩy GDP toàn cầu tăng cao hơn./.