Nghiên cứu mới từ nhà vật lý Rajendra Gupta từ Đại học Ottawa (Canada) khẳng định vũ trụ có thể già gấp đôi so với con số 13,8 tỉ năm tuổi từ một nghiên cứu năm 2021 và được chấp nhận rộng rãi.

Điều này dựa trên việc các nhà thiên văn khắp thế giới, bằng những phương tiện quan sát ngày một tối tân hơn, phát hiện ra những vật thể lẽ ra phải già hơn vũ trụ.

Một số thiên hà rất cổ xưa được tìm thấy gần đây bởi James Webb – Ảnh: NASA/ESA/CSA

Đó là những thiên hà khổng lồ chứa những lỗ đen khổng lồ, lộ ra ở vùng không gian khi vũ trụ mới chỉ vài trăm triệu năm tuổi.

Chúng được phát hiện nhờ những siêu kính viễn vọng như James Webb, có thể quan sát các vật thể cách Trái Đất hơn 13 tỉ năm ánh sáng, đồng nghĩa với việc nhìn thẳng vào quá khứ bởi hình ảnh từ vật thể đó cũng mất khoảng thời gian xấp xỉ để đến được kính viễn vọng.

Các nhà thiên văn đã kỳ vọng tìm ra các thiên hà sơ khai đơn điệu, bé nhỏ, chứ không phải những quái vật khổng lồ như Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta. Để Ngân Hà đạt được kích thước ngày nay, nó đã phải trải qua hàng tỉ năm tuổi với gần 20 cuộc sáp nhập thiên hà.

Một thiên hà sơ khai lớn đến như vậy là vô lý, bởi không đủ thời gian cho các vụ sáp nhập.

TS Gupta đã dựa trên một lý thuyết thiên văn có từ năm 1929 của nhà vật lý thiên văn Fritz Zwicky rằng sự dịch chuyển đỏ là do ánh sáng từ các vật thể vũ trụ xa xôi mất dần năng lượng khi băng qua khoảng cách vũ trụ lớn đến với Trái Đất.

Các nghiên cứu sau này chỉ ra rằng dịch chuyển đỏ là do giãn nỡ vũ trụ, các thiên thể đang “chạy” ra xa nên trông đỏ hơn.

TS Gupta cho rằng dịch chuyển đỏ có thể do cả 2 yếu tố trên kết hợp. Ông đã ứng dụng điều này để xây dựng 2 mô hình vũ trụ, và chỉ ra các “quái vật” gây bối rối mà James Webb quan sát thấy thực sự già hơn con số 13,8 tỉ năm rất nhiều.

Mô hình cũng cho thấy vũ trụ đã 26,7 tỉ năm tuổi, gần gấp đôi con số 13,8 tỉ năm tuổi.

Công trình vừa được công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, có thể là một tin vui bởi nếu vũ trụ già hơn, con người vẫn còn cơ hội để tiếp tục phát triển công nghệ và tìm kiếm những thế giới cổ xưa hơn.