Một điều không thể tranh cãi là đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu trong hàng thập kỷ qua. Nhưng đồng USD cũng ngày càng trở thành mục tiêu cạnh tranh đối với các đồng tiền của một số quốc gia.
Trong ảnh: đồng 100 đô la Mỹ. Ảnh: TTXVN
Theo báo Die Welt của Đức, trong nhiều thập kỷ qua, đồng USD của Mỹ là đồng tiền phổ biến nhất trên thế giới, mặc dù trao đổi thương mại của nước này chỉ chiếm khoảng 10% tổng trao đổi thương mại thế giới. Giờ đây, một liên minh mới, dẫn đầu là Brazil và Nga, đang lên kế hoạch thiết lập đồng tiền chung của riêng họ. Và vàng là trung tâm của ý tưởng này. Nhưng liệu kế hoạch đó có dễ dàng thực hiện?
Một điều không thể tranh cãi là đồng USD đã trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu trong hàng thập kỷ qua. Giống như một ngôi sao cố định, các đồng tiền còn lại của thế giới quay xung quanh đồng USD. Điều này mang lại cho Mỹ sức mạnh to lớn về kinh tế, tài chính. Nhưng đồng USD cũng ngày càng trở thành mục tiêu cạnh tranh đối với các đồng tiền của một số quốc gia. Giờ là lúc thực hiện các bước đi cụ thể.
Từ ngày 22-24/8, hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra tại Johannesburg (Nam Phi). Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo BRICS có thể thiết lập một loại tiền tệ cạnh tranh mới. Nhưng điều mà các thành viên BRICS có thể sớm nhận ra, đó là cách tiếp cận của họ sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư phương Tây.
Hiện khối lượng trao đổi thương mại của Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng khối lượng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, hơn một nửa lượng thương mại hàng hóa của thế giới được giao dịch dựa trên đồng USD của Mỹ. Khoảng 59% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên thế giới được thiết lập bằng đồng USD; trong giao dịch ngoại hối toàn cầu, 88% tổng số giao dịch liên quan đến đồng USD (theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế – BIS).
Cho đến ngày nay, vẫn chưa có gì có thể đảo ngược hoặc xóa bỏ vai trò của “đồng bạc xanh”. Theo đó, không một quốc gia nào có thể thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Nếu đồng USD giảm giá, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ sẽ khó khăn hơn. Nếu lãi suất đồng USD ở Mỹ gia tăng, hầu hết các quốc gia sẽ phải làm theo, nếu không sẽ có nguy cơ tháo chạy vốn ồ ạt.
Nga là nước đang ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với một loại tiền tệ mới của nhóm BRICS. Hồi tháng Bảy vừa qua, Nga công bố rằng đồng tiền này nên dựa trên cơ sở là vàng. Ở Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Lula da Silva từ lâu đã được coi là người ủng hộ mạnh mẽ việc cạnh tranh với đồng USD.
Một số nhà quan sát phương Tây cũng ủng hộ nhóm BRICS. Chuyên gia Dan Steinbock, người từng là thành viên của nhiều nhóm chuyên gia tư vấn về các nước BRICS, cho rằng các hiệp định tiền tệ toàn cầu không chỉ phục vụ lợi ích của người Mỹ, quốc gia chỉ chiếm 4,1% dân số thế giới. Hệ thống tiền tệ phải phản ánh chân thực nền kinh tế thế giới đa cực và cân nhắc đến lợi ích của các nước lớn mới nổi khác. Thực tế, các nước BRICS không quan tâm đến việc thay thế hoàn toàn đồng USD mà là mong muốn đa dạng hóa hệ thống tiền tệ.
Nhưng ngay cả điều đó cũng không dễ dàng. Các vấn đề bắt đầu với việc thiết kế phương án thay thế đồng USD. Theo chuyên gia Santa Zvaigzne-Sproge từ công ty dịch vụ tài chính đa tiền tệ Conotoxia chuyên về giao dịch ngoại hối, việc giới thiệu một loại tiền tệ được quản lý tốt, đặc biệt là tiền tệ đa quốc gia, cần rất nhiều nỗ lực. Ví dụ, tất cả các nước thành viên sẽ phải đồng ý về một cơ chế tỷ giá hối đoái và một hệ thống thanh toán hiệu quả, đồng thời có một thị trường tài chính ổn định và được điều tiết tốt.
Với BRICS, vấn đề đã xảy ra. Minh chứng chính là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do các quốc gia BRICS thành lập năm 2015. Theo kỳ vọng ban đầu, NDB sẽ là một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và sẽ chủ yếu cho vay bằng đồng tiền nội tệ của nhóm BRICS. Nhưng cho đến nay, số tiền mà NDB đã cho vay tương đương với 30 tỷ USD, trong đó 2/3 được giải ngân bằng đồng USD. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Reuters, Giám đốc Tài chính của NDB Leslie Maasdorp giải thích rằng đồng tiền hoạt động của ngân hàng NDB là đồng USD vì lý do đơn giản là có tính thanh khoản cao nhất.
Theo chiến lược gia đầu tư tại ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS, ông Mark Haefele, tính thanh khoản cao là một trong những phẩm chất chính mà các nhà quản lý dự trữ toàn cầu và những người tham gia thương mại quốc tế luôn chú ý ở một loại tiền tệ. Về đặc điểm này, đồng USD là “vô song”. Ở một mức độ tương tự, sự ổn định và an toàn cũng là hai thuộc tính quan trọng khác của một loại tiền tệ dự trữ. Ông Haefele cho rằng bất chấp tất cả những thách thức mà hệ thống tài chính của Mỹ phải đối mặt, quốc gia này vẫn tiếp tục hoạt động tốt trong nhiều lĩnh vực như pháp quyền, chất lượng và hiệu quả của quy định luật pháp, cũng như sự cởi mở của thị trường.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những người giàu có từ các quốc gia BRICS thường tìm mọi cách có thể để chuyển tiền của họ ra khỏi đất nước và trong rất nhiều trường hợp, mang đến Mỹ. Đối với đa số người dân ở các quốc gia này, họ biết rõ rằng họ mong muốn đầu tư tiền tiết kiệm cá nhân của họ vào nước nào, Mỹ hay các quốc gia BRICS, nếu họ được tự do lựa chọn.
Các quốc gia BRICS cũng sẽ tự đặt câu hỏi rằng họ muốn “ràng buộc” đồng nội tệ của họ với đồng tiền của quốc gia nào. Bởi vì không có gì chắc chắn rằng tất cả các quốc gia này sẽ được hưởng lợi như nhau từ một loại tiền tệ chung. Thay vào đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ là quốc gia giữ vai trò chi phối đồng tiền này. Cho tới nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất trong nhóm BRICS. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc gần gấp ba lần GDP của 4 quốc gia còn lại cộng lại. Một loại tiền tệ chung của nhóm BRICS cuối cùng sẽ trở thành đồng Nhân dân tệ mới, được thiết kế lại. Cả Ấn Độ cũng như Brazil – quốc gia đang đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do với EU, đều không muốn phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng ngay cả khi 5 quốc gia BRICS thống nhất được về một dự án tiền tệ chung, con đường thực hiện cũng sẽ còn dài, đặc biệt nếu điều này thực sự dựa trên vàng. Chuyên gia Santa Zvaigzne-Sproge nhận định trong tình huống đó, khả năng cao là tất cả các quốc gia thành viên BRICS sẽ được yêu cầu giữ một lượng vàng nhất định trong kho dự trữ của họ để đảm bảo tính ổn định và độ tin cậy của đồng tiền mới. Mặc dù rất khó dự đoán mỗi quốc gia sẽ phải mua bao nhiêu vàng, nhưng tổng nhu cầu về vàng cũng như giá vàng có thể sẽ tăng lên đáng kể.
Điều này sẽ khiến dự án đồng tiền chung trở thành một dự án tốn kém đối với các nước BRICS. Ngược lại, các nhà đầu tư, chủ yếu tại châu Âu và Mỹ, đã đầu tư vào vàng sẽ vui mừng. Do đó, trong ngắn hạn, họ sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất từ kế hoạch của BRICS, trong khi sự thành công của đồng tiền mới bị đặt dấu hỏi lớn./.