Chứng khoán toàn cầu giảm phiên 26/10 khi thị trường phớt lờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Giới đầu tư chuyển hướng sang các báo cáo thu nhập trái chiều của doanh nghiệp và theo dõi tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Trung Đông.
Hoạt động của giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: TTXVN
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% xuống 32.784,30 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,2% xuống 4.137,23 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,8% xuống 12.595,61 điểm.
Tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 4,9% trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023, tốc độ nhanh nhất kể từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, thị trường đã bỏ qua báo cáo tích cực này và coi đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ chậm lại.
Hugh Johnson thuộc Huge Johnson Economics cho biết, các nhà đầu tư đang tập trung vào quý IV/2023 hơn và dự báo rằng “mọi thứ sẽ chậm lại”.
Cùng trong ngày 26/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cùng với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất sau 10 cuộc họp gần đây nhất. Lãi suất cao kỷ lục dường như đã làm giảm hoạt động kinh tế ở Khu vực đồng euro.
Đồng euro chỉ tăng trong thời gian ngắn sau quyết định được nhiều người mong đợi, song chứng khoán khu vực đồng euro đang cắt lỗ.
Chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,8% xuống 7.354,57 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 1,1% xuống 14.731,05 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,4% xuống 6.888,96 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,6% xuống 4.049,40 điểm.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde ngày 26/10 cảnh báo sẽ “hoàn toàn sớm” để thảo luận về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho hay báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp không mang lại lực đẩy mà các nhà đầu tư mong đợi và kết quả là chứng khoán đang bị ảnh hưởng.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm hơn 46 điểm về 1.055,45 điểm, mức thấp nhất kể từ 12/05/2023; HNX-Index còn giảm 12,03 điểm về 214.98 điểm./.