Những lo ngại về chính trị, kế hoạch cắt giảm sản lượng và các biện pháp kiềm chế lạm phát trên toàn cầu đã gây ra nhiều biến động mạnh cho giá “vàng đen” trong năm 2023.
Giá dầu dự kiến kết thúc năm 2023 với mức giảm khoảng 10%, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong vòng hai năm qua.
Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 33 xu (tương đương 0,4%) lên mức 77,48 USD/thùng lúc 14 giờ 56 phút (giờ Việt Nam) của ngày giao dịch cuối cùng của năm 2023. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng tăng 20 xu (hay 0,3%) lên 71,97 USD/thùng.
Giá dầu đã ổn định sau khi giảm tới 3% trong phiên 28/12, khi có nhiều hãng vận tải chuẩn bị nối lại hoạt động vận chuyển qua tuyến Biển Đỏ sau giai đoạn tạm dừng trước đó.
Dù phục hồi, cả hai loại dầu tiêu chuẩn này đều đang trên đà đóng cửa ở mức giá thấp nhất tính theo năm kể từ năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhu cầu và khiến giá giảm mạnh.
Kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối tỏ ra không đủ để hỗ trợ giá dầu. So với mức cao nhất trong năm nay ghi nhận hồi tháng Chín, giá dầu tiêu chuẩn đã giảm gần 20%.
Hiệu suất yếu kém của giá dầu trái ngược với thị trường chứng khoán toàn cầu, vốn đang tăng cao hơn vào cuối năm 2023.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD cũng hướng tới mức giảm 2% trong năm nay sau hai năm tăng mạnh.
Giới quan sát cho hay việc đồng USD yếu hơn khiến dầu trở nên rẻ hơn đối với các nhà giao dịch nước ngoài, từ đó có thể thúc đẩy nhu cầu vào năm 2024.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) với 30 nhà kinh tế và nhà phân tích đã đưa ra dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 84,43 USD/thùng vào năm 2024, so với mức trung bình khoảng 80 USD/thùng trong năm nay và thấp hơn mức 100 USD/thùng vào năm 2022.