“Tháng Ba giỗ Mẹ” và huyền tích kỳ ảo về Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Trong Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, bà cũng là người phụ nữ duy nhất trong “Tứ bất tử” với huyền tích dày đặc yếu tố kỳ ảo.

Du khách hành hương Lễ hội Phủ Dầy tại Phủ Tiên Hương (Phủ Chính) năm 2024. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

“Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” là câu nói của người Việt để tưởng nhớ ngày hóa thánh của đức Thánh Trần (tháng Tám âm lịch) và đức Quốc Mẫu Liễu Hạnh (tháng Ba âm lịch).

Tại tỉnh Nam Định, đây cũng là hai lễ hội văn hóa lớn được tổ chức quy mô hằng năm, thu hút hàng vạn du khách ở mọi miền đất nước về trẩy hội, tri ân công đức các bậc tiền nhân.

Năm nay, lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh diễn ra trang trọng và thành kính tại quần thể Di tích Lịch sử-Văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong 6 ngày, từ 11-16/4 (mùng 3-8/3 Âm lịch), với nhiều nghi lễ mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt như nghi lễ chầu văn-hầu đồng, Lễ rước đuốc, Lễ rước thỉnh kinh, Hội hoa trượng.

Lễ rước Mẫu từ Phủ chính Phủ Dầy, nơi Thánh Mẫu giáng sinh lên Chùa Tiên Hương thỉnh kinh. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Theo các nhà nghiên cứu về đạo Mẫu, trong Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, được coi là hóa thân của Đệ Nhất Thánh Mẫu Thượng Thiên và được thờ ở vị trí chính giữa trong Tam tòa Thánh Mẫu với màu áo đỏ đại diện.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh có quyền năng cai quản bầu trời, làm chủ các thế lực siêu nhiên như mây mưa, gió bão, sấm chớp.

Trong các tài liệu thư tịch cổ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa là thiên thần, vừa là nhân thần với những huyền thoại dày đặc yếu tố kỳ ảo.

Bà là một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt (cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử), thường xuyên giúp đỡ người dân và được nhiều triều đại phong kiến nước ta sắc phong để tri ân.

Nguồn tư liệu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh rất phong phú, bao gồm các truyền thuyết, thần tích, các gia phả, ngọc phả của các dòng họ sinh sống tại Phủ Dầy, Nam Định.

Người dân thành kính dâng lễ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Tiên Hương. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Theo huyền tích, Mẫu Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, vì đánh vỡ chén ngọc mà bị vua cha giáng xuống trần gian.

Bà đã 3 lần giáng trần làm người, lần thứ nhất, bà giáng vào nhà họ Phạm ở Quảng Nạp, Vị Nhuế, Ý Yên, Nam Định, được đặt tên là Phạm Tiên Nga. Đến khi tròn 40 tuổi thì bà hóa sinh về trời.

Lần thứ hai, bà giáng vào nhà họ Lê, tên là Lê Thị Thắng, hiệu Giáng Tiên, ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Năm 21 tuổi, bà không bệnh mà mất vào giờ Dần ngày 3/3/1577.

Lần thứ ba, bà giáng tại Nga Sơn, Thanh Hóa, đến năm 18 tuổi thì mãn hạn hồi tiên.

Trong cả 3 lần giáng sinh, Mẫu Liễu Hạnh đều thường xuyên chu du thiên hạ, cứu nhân độ thế, hành thiện giúp đời. Bà được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân,” “Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương.” Cuối cùng, bà quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã hoàng Bồ tát.

Phủ Vân Cát nằm trong Quần thể Di tích Lịch sử-Văn hóa Phủ Dầy. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Quần thể Di tích Lịch sử-Văn hóa Phủ Dầy tại Nam Định gắn liền với lần giáng sinh và hóa tiên lần thứ hai của Mẫu Liễu Hạnh.

Phủ Dầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy, xuất phát từ sự tích Mẫu Liễu Hạnh vì quá thương nhớ gia đình ở hạ giới nên đã để lại một chiếc giày ở trần gian trước khi về trời. Đến khi Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn làm “Mẫu nghi thiên hạ” thì Kẻ Giầy được đổi thành Phủ Giầy.

Một truyền thuyết khác kể lại, tương truyền một hôm nhà vua đi ngang qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của Mẫu Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giày, về sau dân gian lập nơi thờ tự gọi là Phủ Giầy.

Địa danh này cũng được gọi là Phủ Dầy với một giả thuyết khác là vì nơi này có món bánh dầy ngon nổi tiếng, và trước cửa phủ có một gò đất nổi lên giống hình chiếc bánh dầy…

Tất cả những sự tích, truyền thuyết trên cho dù chưa xác định rõ thực hư, nhưng đã góp phần làm cho mối liên quan giữa Thánh Mẫu Liễu Hạnh với vùng đất này càng thêm kỳ ảo, cuốn hút.

Lễ hội Phủ Dầy tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh kéo dài nhiều ngày, phản ánh phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian và thẩm mỹ của cộng đồng, trong đó nổi bật nhất là hát văn-hầu đồng, nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Đây là một hình thức diễn xướng dân gian thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Hầu đồng là nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lễ hội Phủ Dầy. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng, được kết hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng.

Nghi thức hầu đồng diễn ra trong khung cảnh khói hương nghi ngút, giọng hát văn réo rắt, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo, nhị… lúc khoan thai, dìu dặt, khi dồn dập, vui tươi; thanh đồng xiêm y lộng lẫy, tâm trạng biến hóa, lắc lư, nhún nhảy trong những điệu vũ mang tính ước lệ và cách điệu khiến người xem nhập tâm vào thế giới siêu nhiên của các vị thánh.

Ở góc độ văn hóa, hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể tổng hợp nhiều giá trị của các loại hình văn hóa dân gian như tín ngưỡng truyền khẩu, diễn xướng, âm nhạc, văn học, vũ đạo, kịch câm, mỹ thuật…

Những người thực hành tin rằng bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình về một cuộc sống bình an thông qua các thầy đồng – người đóng vai trò trung gian giữa con người và các vị thánh thần.

Đây là hình thức shaman giáo – diễn xướng xuất nhập thần – khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Nga, Brazil, Zimbabwe…

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên “bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh.” Quần thể Di tích Lịch sử-Văn hóa Phủ Dầy và Lễ hội Phủ Dầy đã góp phần hội tụ, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của các công trình, quần thể Di tích Lịch sử-Văn hóa Phủ Dầy đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia; Lễ hội Phủ Dầy và Nghi lễ Chầu văn của người Việt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Năm 2016, UNESCO chính thức ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Phủ Dầy càng có ý nghĩa lớn và trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu của quốc gia, là điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top