Tham vọng sầu riêng của Trung Quốc: ‘Quả đắng’ ngay mùa đầu tiên

Vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc chưa cho sản lượng và chất lượng như mong đợi. Đây có phải là dấu hiệu cho thấy “giấc mơ sầu riêng” của quốc gia này khó thành hiện thực?

Sau khoảng 4 năm canh tác, Trung Quốc sẽ thu hoạch vụ sầu riêng nội địa đầu tiên vào tháng 6 này tại tỉnh Hải Nam. Mặc dù từng được kỳ vọng sẽ giúp giá sầu riêng tại Trung Quốc giảm nhưng vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc lại không có sản lượng như mong đợi. Thậm chí, xét về chất lượng và sản lượng thì đây là mùa thu hoạch thảm hại so với tham vọng đầu tư lớn của quốc gia này

Wang Haibo, chuyên gia nông nghiệp của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết sản lượng sầu riêng tại Hải Nam chỉ đạt 50 tấn, tương đương với 0,005% tổng lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc trong năm nay. Nguyên nhân là ở thời điểm hiện tại, cây sầu riêng vẫn còn non và nhiều cây không cho hoa. Thông thường, cây sầu riêng mất từ 6 – 7 năm để trưởng thành.

Đây là một kết quả đáng thất vọng bởi vào hồi tháng 3, kênh CCTV ước tính sản lượng của vụ sầu riêng đầu tiên tại Trung Quốc sẽ đạt 2.450 tấn. Tuy nhiên, sản lượng thực tế lại chỉ chiếm khoảng 2% so với ước tính ban đầu.

Trong năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng với tổng trị giá 4.03 tỷ USD, theo dữ liệu từ phòng Thương mại và Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Sầu riêng hiện trở thành loại trái cây được nhập khẩu nhiều nhất ở Trung Quốc và chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Người tiêu dùng tại Trung Quốc đang phải trả khoảng 349 NDT cho 7 kg sầu riêng nhập từ Việt Nam trên trang thương mại điện tử JD.com. Trong khi đó, sầu riêng từ Thái Lan và Malaysia “cháy hàng” trên nền tảng mua sắm trực tuyến Tmall.

Trung Quốc bắt đầu trồng sầu riêng từ những năm 1950 (Ảnh: Straitstimes)

Nỗ lực trồng sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1950 tại tỉnh Hải Nam nhưng không đem lại thành công do kỹ thuật gieo trồng kém. Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu tăng cường thúc đẩy công cuộc trồng sầu riêng bằng việc ứng dụng thêm nhiều công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Nhóm nghiên cứu đã làm việc để điều chỉnh hạt giống sầu riêng sao cho phù hợp hơn với điều kiện địa phương. Ngoài ra, hạt giống sầu riêng của Trung Quốc cũng nhỏ hơn nhưng có khả năng chịu lạnh tốt hơn so với sầu riêng tại các quốc gia Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, người trồng còn được khuyến khích trồng sầu riêng xen canh với cây trầu bà. Về lâu dài, cây trầu bà không chỉ mang lại bóng mát cho cây sầu riêng mà còn được kỳ vọng sẽ mang đến nguồn doanh thu bên lề. Các khu trồng sầu riêng ở Hải Nam sử dụng công nghệ tự động hóa giúp kiểm soát tưới tiêu, phân bón và giám sát thời tiết.

Trung Quốc áp dụng nhiều công nghệ, kĩ thuật vào trồng sầu riêng (Ảnh: China Daily)

Hệ thống quản lý tưới tiêu và bón phân tích hợp tự động được trang bị giúp người dân trồng sầu riêng không phải tưới cây thủ công. Các cảm biến thường xuyên theo dõi tình trạng đất trồng, từ đó thông báo chính xác khi nào cần bón phân. Ngoài ra, hệ thống theo dõi trực quan được cung cấp bởi các thiết bị video hiện đại giúp người trồng dễ dàng theo dõi sự phát triển của cây trong thời gian thực.

Dù được đầu tư đáng kể nhưng tham vọng “nội địa hóa” sầu riêng của Trung Quốc bước đầu đang gặp phải nhiều trở ngại. Giám đốc Viện Trái cây Nhiệt đới trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam ông Phùng Học Kiệt cho hay: “Phải mất vài năm nữa Hải Nam mới có thể sản xuất đủ sầu riêng, từ đó mới giúp giảm giá bán của loại trái cây này”.

Ngoài sản lượng, chất lượng của sầu riêng trồng tại Trung Quốc cũng là điều cần bàn đến. Sầu riêng nội địa chỉ thành công khi mùi vị của nó thực sự thu hút được người tiêu dùng Trung Quốc và không kém cạnh khi so sánh với sầu riêng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Nhưng điều đó thật không dễ dàng.

Một khu trồng thanh long tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Thanh long Trung Quốc có thể được xem là một minh chứng điển hình cho vấn đề này. Trước sầu riêng, Trung Quốc cũng trồng thanh long và thu được những thành quả nhất định. Từ một quốc gia phải nhập khẩu thanh long thường xuyên từ Việt Nam, Trung Quốc giờ đây đã gần như đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Từ năm 2017 đến năm nay, sản lượng thanh long tại Quảng Tây đã tăng từ 105.000 tấn lên mức 560.000 tấn. Trong vài năm qua, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Sản lượng thanh long của Trung Quốc ước tính đạt 1,6 triệu tấn, thậm chí còn vượt Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long.

Tuy nhiên, thanh long Việt Nam vẫn được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích và đón nhận. Mặc dù sản lượng cao nhưng thanh long Trung Quốc được đánh giá là không ngọt và mát bằng thanh long Việt Nam. Nguyên nhân là do thanh long trồng ở vùng nhiệt đới có nắng nhiều cũng như thổ nhưỡng thích hợp. Trong khi đó, các khu trồng thanh long tại Trung Quốc thường xuyên phải bổ sung ánh nắng bằng các thiết bị điện, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của quả thanh long.

Thanh long Trung Quốc vẫn chưa thể vượt thanh long Việt Nam về hương vị (Ảnh: SCMP)

Tờ China Daily chỉ ra người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn để mua các sản phẩm trái cây nhiệt đới chất lượng hơn. Thanh long ruột đỏ của Việt Nam từng được bán với mức giá từ 40 – 50 NDT tại các hệ thống siêu thị ở Trung Quốc trong khi thanh long Trung Quốc có giá rẻ hơn gần một nửa.

Nhà nghiên cứu Weng Ming thuộc Viện phát triển nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thừa nhận Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu hầu hết các trái cây nhiệt đới bởi vị của chúng rất khó để sao chép. “Ví dụ như quả sung ngọt trồng tại Sơn Đông không có vị ngon như loại sung ngọt nhập khẩu từ Trung Đông và Bắc Phi”, ông nói.

Câu chuyện “Trung Quốc không thể trồng được sầu riêng” giờ đây không còn đúng nữa khi gười tiêu dùng Trung Quốc đang sẵn sàng đón nhận những “trái ngọt” đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi. Thế nhưng con đường đi đến “nội địa hóa sầu riêng”, “sầu riêng Trung Quốc thay thế được hàng nhập khẩu” vẫn là một tham vọng xa xôi.

Theo: VietNamFINANCE
Spread the love
Back To Top