Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955 đến nay, quan hệ Việt Nam – Indonesia vẫn luôn phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Indonesia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực; trong đó, hợp tác kinh tế đang có những bước tiến lớn. Hơn nữa, hai nước đều là những thành viên tích cực trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), luôn hợp tác để đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta từ 4-7/9 hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác, sớm đưa thương mại song phương vượt 15 tỷ USD và theo hướng cân bằng.
Thị trường nhiều dư địa
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN
Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Indonesia thời gian qua ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Việt Nam và Indonesia đều là hai nền kinh tế có nhiều tiềm lực, đang trỗi dậy, đang phát triển nhanh chóng.
Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới, lớn thứ nhất trong ASEAN và cũng là thị trường lớn nhất ASEAN với hơn 270 triệu người tiêu dùng; trong đó, tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng.
Hơn nữa, đây cũng là thị trường còn nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là thị trường có nhiều tiềm năng để Indonesia thúc đẩy hợp tác cả về thương mại và đầu tư.
Theo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, kim ngạch thương mại giữa hai nước cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 4,8 tỷ USD nhưng sau 10 năm, kim ngạch đã tăng gần 3 lần, đạt 14,1 tỷ USD vào năm 2022.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 4,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Indonesia có thể đạt hoặc vượt mức 15 tỷ USD.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia tại Đông Nam Á.
Đáng lưu ý, Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng nhiều sản phẩm cho thị trường Indonesia như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa…
Mặt khác, nhiều mặt hàng thế mạnh của Indonesia như than đá, linh kiện phụ tùng ô tô, dầu cọ, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, kim loại thường… cũng được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Ông Phạm Thế Cường- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết: Chỉ trong 4 tháng năm 2023 xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia thu về 149 triệu USD, tăng đột biến 2.514% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh việc nhập khẩu gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác.
Với 275 triệu người, Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD.
Thực phẩm và đồ uống nhập khẩu của Indonesia tập trung vào nhóm sản phẩm từ sữa, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, đồ uống có đường 120 triệu USD, bánh kẹo 75 triệu USD, ngũ cốc 541 triệu USD, nhóm rau củ quả chế biến đạt 222 triệu USD.
Theo ông Phạm Thế Cường, nhóm hàng hiện đang xuất khẩu, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thuỷ sản, thịt bò.
Về hoa quả đóng hộp có vải, nhãn, Indonesia không có lợi thế so sánh nhóm hàng này trong khi chưa mở cửa với quả vải và nhãn tươi của Việt Nam. Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo.
Chủ động tiếp cận
Để thuận lợi trong xúc tiến quảng bá sản phẩm, ông Phạm Thế Cường cho hay: Với đa số dân số theo đạo Hồi, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia.
“Chứng nhận Halal luôn là câu hỏi đầu tiên của bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối nào của Indonesia khi có sản phẩm thực phẩm, đồ uống muốn tiếp cận thị trường này”, ông Phạm Thế Cường cho biết.
Nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia sẽ tổ chức gian hàng tại một số hội chợ lớn tổ chức ở nước sở tại; thường xuyên tổ chức toạ đàm kết nối giao thương online đến nhà nhập khẩu lớn của Indonesia.
Trong năm 2023, Thương vụ cũng tổ chức phiên tư vấn giới thiệu về quy định Halal của Indonesia để giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thông tin về chứng nhận này nói riêng, thị trường Indonesia nói chung.
Bên cạnh việc doanh nghiệp chủ động tham gia xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang Indonesia nhưng cần lưu ý biện pháp phòng vệ thương mại tại quốc gia này.
Mặt khác, để thúc đẩy hạ nguồn chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, Indonesia dự kiến cấm xuất khẩu 21 nhóm hàng dưới dạng thô chưa qua chế biến từ nay đến năm 2040. Trước mắt, cấm xuất khẩu bauxit thô từ tháng 6/2023, tiếp đó là mặt hàng đồng và thiếc.
Trong danh mục 21 nhóm hàng dự kiến đưa vào nhóm hàng cấm xuất khẩu có một số nhóm hàng liên quan ảnh hưởng đến Việt Nam trên thị trường như: than, tôm, thuỷ sản, cua, rong biển, gỗ xẻ…
“Ngoại trừ bauxit đã có thông báo chính thức cấm xuất khẩu dưới dạng thô, các sản phẩm còn lại đang được Chính phủ Indonesia xây dựng lộ trình cấm xuất khẩu nên doanh nghiệp cần theo dõi sát sao”, tham tán Phạm Thế Cường nhấn mạnh.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM 55), Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan chia sẻ, Indonesia luôn nhìn nhận Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Indonsia trong khu vực Đông Nam Á.
Để quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Hassan đề nghị Việt Nam xem xét, sớm nối lại hoạt động trao đổi đoàn, nhất là cơ chế hợp tác, diễn đàn thường niên giữa Bộ Thương mại Indonesia và Bộ Công Thương Việt Nam đã bị tạm ngừng từ nhiều năm nay.
Hơn nữa, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm về nuôi trồng, sản xuất, xuất khẩu thủy sản, hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp và Indonesia mong muốn học hỏi kinh nghiệm.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều hãng sản xuất ô tô lớn của nước ngoài gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã và đang đầu tư và sản xuất xe điện tại Indonesia. Tuy nhiên, Indonesia được biết đã có một số doanh nghiệp Việt Nam mở nhà máy sản xuất ô tô tại Hoa Kỳ. Do đó, Indonesia mong muốn và kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Indonesia phát triển ngành công nghiệp ô tô điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh đề xuất của Bộ trưởng Hassan về việc sớm nối lại cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, diễn đàn thường niên giữa hai Bộ, vốn đã bị gián đoạn trong 2 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là hoạt động cần thiết để hai bên có thể kịp thời chia sẻ, cập nhật tình hình hợp tác và tháo gỡ vướng mắc phát sinh, tồn đọng trong quan hệ hợp tác thương mại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Hasan trao đổi, vận động doanh nghiệp thủy sản của Indonesia tham dự hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam để kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Về hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô điện, Việt Nam được biết Indonesia có nguồn tài nguyên nikel rất dồi dào, còn Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm lớn nhất trên thế giới. Dựa trên những tiềm năng và tiềm lực sẵn có của mỗi nước, Việt Nam và Indonesia cùng nhau hợp tác, phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại khu vực trong thời gian tới.
Để quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Indonesia tạo điều kiện cho Việt Nam nhập khẩu ổn định than và dầu cọ thô để đảm bảo an ninh năng lượng và sự ổn định cho ngành sản xuất trong nước; xem xét ngừng ban hành, áp dụng biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam luôn đối xử công bằng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Indonesia kinh doanh tại Việt Nam.
Nhằm duy trì đà tăng trưởng thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Việt Nam- Indonesia cần tận dụng những cơ hội mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước.
Cùng đó, hạn chế áp dụng rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư giữa, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại tại mỗi nước.
Ngoài ra, hai nước cần nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng sạch, tận dụng cơ hội mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại.