Vụ vải thiều ở Hải Dương: Nhiều điểm sáng về xúc tiến thương mại

Năm nay, Hải Dương đã bước đầu thành công với các hình thức quảng bá mới, giới thiệu về vải thiều nhiều hơn trên mạng xã hội, từ đó tiếp cận được mọi đối tượng khách hàng.

Vải thiều Thanh Hà. (Nguồn: TTXVN)

Vụ vải thiều năm 2023 của Hải Dương đã khép lại với nhiều điểm sáng về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho quả vải.

Gia tăng lợi nhuận

Năm 2023, sản lượng vải Thanh Hà đạt khoảng 35.500 tấn, giảm 6.500 tấn so với năm 2022. Vải sớm 20.000 tấn và vải chính vụ 15.500 tấn.

Ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính huyện Thanh Hà, cho biết thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước trong khi xuất khẩu Trung Quốc khoảng 35% và xuất khẩu sang các nước khác khoảng 5%.

Quy trình sản xuất vải theo quy trình VietGAP và GlobalGAP được thực hiện nghiêm túc, có trên 50% diện tích vải tập trung đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Việc quảng bá và xúc tiến vải được quan tâm qua các chương trình kết nối với doanh nghiệp, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ sản xuất, hợp tác xã; hội nghị xúc tiến thương mại, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sự kiện “Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách.”

Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đón tiếp các đoàn doanh nghiệp về vùng nguyên liệu khảo sát… được huyện tập trung triển khai.

Đặc biệt, lần đầu vải thiều Thanh Hà có mặt trong suất ăn trên các chuyến bay nội địa và chuyến bay quốc tế. Lượng vải tiêu thụ qua kênh này khoảng 20 tấn.

Năm nay, việc tiêu thụ thuận lợi, thị trường được mở rộng, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Giá trị do cây vải mang lại năm 2023 đạt khoảng trên 1.100 tỷ đồng. Tuy vậy, các hoạt động dịch vụ gắn với tiêu thụ vải như vận chuyển, đóng gói hàng hóa… mang lại việc làm cho khoảng 1.000 lao động, tạo thu nhập khoảng 15 tỷ đồng.

Hải Dương: Tăng sản lượng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản

Số lượng điểm nuôi ong lấy mật tăng so với vụ vải năm 2022 với 71 điểm nuôi. Sản lượng mật ong khai thác được ước đạt 800 tấn, giá trị thu được khoảng 44 tỷ đồng. Mật ong vải giọt vàng Thanh Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.

Cùng với đó, du lịch có bước phát triển với gần 40.000 lượt du khách về trải nghiệm du lịch miệt vườn tại vùng trồng vải.

Theo thống kê, sản lượng vải quả năm 2023 của tỉnh Hải Dương ước đạt 58.000 tấn. Năng suất và giá trị đạt xấp xỉ những năm trước.

Đánh giá chung về thành công của vụ vải năm 2023, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, cho biết vụ vải thiều năm 2023 đạt kết quả khá tốt, nhất là về giá trị, thương hiệu vải Hải Dương tiếp tục được khẳng định.

Các thị trường xuất khẩu cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, châu Âu được giữ vững, tất cả các lô hàng xuất khẩu đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. Chất lượng tốt, mẫu mã sản phẩm đa dạng, thị trường đánh giá cao.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, nhận định điểm mới của vải thiều Hải Dương năm nay là đã được bán thành công trên các chuyến bay của các hãng hàng không, các cửa hàng quà lưu niệm tại các sân bay, từ đó sản phẩm được tiếp cận với khách hàng, thị trường cao cấp.

Việc tiêu thụ vải diễn ra rất thuận lợi. Giai đoạn đầu vụ, đa phần trà vải sớm của vải thiều Hải Dương tiêu thụ tốt với giá trung bình khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Vải thiều Hải Dương được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, bán theo kênh các hệ thống siêu thị tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, bán làm quà biếu. Vải mua làm quà biếu chiếm khoảng 30% sản lượng.

Năm nay, việc tiêu thụ trái vải nhận được sự quan tâm từ các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản. Lượng vải bán tại hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản tăng 150% sản lượng so với vụ trước. Hệ thống Aeon tại Việt Nam cũng tăng cường quảng bá, tiêu thụ vải thiều Hải Dương, từ đó, góp phần nâng cao thương hiệu cho quả vải.

Một trong những điểm nhấn của mùa vải năm nay là tỉnh Hải Dương đã thu hút nhiều doanh nghiệp về tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư, hợp tác và chuyển giao công nghệ quy trình bảo quản, lên men trái cây để ứng dụng đối với quả vải.

Trong quảng bá thương hiệu, năm nay, Hải Dương đã bước đầu thành công với các hình thức quảng bá mới, giới thiệu về vải thiều Hải Dương nhiều hơn trên kênh mạng xã hội, từ đó tiếp cận được mọi đối tượng khách hàng, người tiêu dùng.

Việc nhiều du khách trải nghiệm mùa vải ở Thanh Hà trong vụ vải vừa qua cũng là một tín hiệu vui cho phát triển du lịch gắn với nông nghiệp trong thời gian tới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Trần Văn Quân, một trong những điểm sáng của mùa vải năm 2023 là người dân và doanh nghiệp đã đồng hành ngay từ đầu vụ.

Bà Lương Thị Kiểm đánh giá vụ vải năm 2023 càng cho thấy bước tiến trong tư duy sản xuất của người nông dân. Nếu như trước đây, người dân còn thờ ơ thì hiện nay, ý thức về việc xây dựng hình ảnh, giữ gìn thương hiệu tập thể đối với quả vải quê hương đã nâng lên rõ rệt. Người dân tuân thủ rất tốt các quy trình sản xuất do cơ quan chuyên môn đưa ra.

Đặc biệt, các hộ trong tổ sản xuất VietGAP tự nhắc nhau để tuân thủ tốt các quy định về sản xuất. Người bán thuốc bảo vệ thực vật cũng tư vấn tốt hơn cho người nông dân về các loại thuốc đúng danh mục được phép.

Sự đồng hành của doanh nghiệp thể hiện rõ nhất ở sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Tiêu biểu là mô hình Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam triển khai tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, quy mô liên kết là 10ha/vụ/năm và có 35 hộ tham gia mô hình.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đã cung ứng phân bón cho 35 hộ nông dân tham gia mô hình liên kết, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc vải, thu mua toàn bộ vải thiều cho các hộ nông dân, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu. Với mô hình này, nông dân yên tâm sản xuất, không phải đầu tư vốn ban đầu, sản phẩm được thu mua theo hợp đồng liên kết.

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ… cũng đã ký kết hợp đồng với các tổ sản xuất vải của Thanh Hà.

Nông dân xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà vui mừng đón doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm bà con thu hoạch vải sớm. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Theo đánh giá, nút thắt lớn nhất với việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường cao cấp hiện nay là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và thu hút được doanh nghiệp vào chế biến, xuất khẩu. Hiện nay, thị trường ở khu vực châu Á đang rất lớn, chỉ cần giải được “bài toán” này, quả vải chắc chắn sẽ tạo được sự đột phá trong mở rộng thị trường xuất khẩu.

Vụ vải thiều năm 2023 khép lại nhưng đã mở ra hướng mới trong chế biến, nâng cao giá trị cho quả vải. Ông Trần Văn Quân cho biết sau khi được các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu, chuyển giao công nghệ lên men vải, một số doanh nghiệp tại Hải Dương như Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Hải đã tiếp cận và dự kiến năm 2024 sẽ ứng dụng vào sản xuất, đưa sản phẩm là nước vải lên men và thạch vải ra thị trường.

Với công nghệ lên men vải, hương vị và chất lượng của quả vải có thể lưu giữ được khoảng 10 năm. Ngoài ra, tỉnh Hải Dương cũng quan tâm, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực chế biến nông sản đầu tư vào tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ./.

Theo: Vietnamplus.vn
Spread the love
Back To Top