Từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn

Chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip.

Tại sự kiện Diễn đàn Quốc gia Công nghệ số 2023, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip.

Doanh số chip bán dẫn toàn cầu vượt mốc 600 tỷ USD trong năm 2022. Năm 2024 dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể, một số mảng như mảng chip nhớ tăng 25%. Tổng doanh số ngành vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ vào năm 2023. Vì vậy Phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử

Hiện trên quy mô toàn cầu, ngành công nghiệp Điện tử thuộc 10 ngành công nghiệp lớn nhất. Theo Gartner, năm 2023 doanh thu Bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2024 – 2025, trên 15%/năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI.


Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa. Ảnh: FPT

Quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Ngành Công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh – là đầu ra cho con chip.Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đầu 2023 đến nay, các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn… đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam.

Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA…, tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư điện tử.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi số cần đi song song: Phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa nêu quan điểm.

Theo ông Khoa, Việt Nam có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn. Tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)) đang đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng.

Chính sách ngoại giao cởi mở giúp nước ta có vị thế quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn ký kết hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới và nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư. Về Địa chính trị, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á, vị trí “cửa ngõ” thế giới là tài nguyên hiếm có.

Ông Khoa dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, người Việt Nam thích học toán, khoa học, công nghệ. Tố chất phù hợp cho việc phát triển bán dẫn. Trong khi đó, người phương Tây có xu hướng nghiên cứu, ngại lao động chân tay và dân số già hoá.

Chính phủ dành sự quan tâm lớn với mảng bán dẫn và chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. Ngoài ra, quy mô thị trường chất bán dẫn Việt Nam tăng trưởng 6,69% – đến 1,94 tỷ USD ​​từ năm 2023 – 2028, đây là cơ hội lớn.

Như vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt có đầy đủ: Đầu ra – thị trường rộng lớn; nhân sự: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; cơ hội hợp tác: Các nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới về bán dẫn, doanh nghiệp có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này.

Ông Khoa cho rằng, Việt Nam nên phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn. Ngắn hạn: Thiết kế, đóng gói, kiểm thử. Trung hạn: Sản xuất. Dài hạn: Làm chủ công nghệ lõi.

Vị CEO Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào các lĩnh vực: Viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào mọi con chip.

Theo Gartner (tập đoàn nghiên cứu và tư vấn công nghệ hàng đầu trên thế giới)dự báo doanh thu chip bán dẫn có AI năm 2024 tăng 23% so với 2022 – 54 tỷ USD; 2027 đạt gần 120 tỷ USD.


Chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip. Ảnh: FPT

Theo ông Khoa, 10 năm trước, FPT nghiên cứu và sản xuất chip. Thời gian tới, FPT đóng góp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Cụ thể, đóng góp 10.000 nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

“Hy vọng các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sẽ đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới”, ông Khoa chia sẻ

Theo Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa, sắp tới, VINASA sẽ tổ chức 1 số các hội thảo, tọa đàm để chia sẻ, trao đổi và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu và tham gia vào lĩnh vực này. Hy vọng, doanh nghiệp Việt sẽ chung tay đưa con chip – sản phẩm Make in Vietnam ra thế giới.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top