Thanh Hóa có diện tích rừng lớn với trên 647.000 ha, trong đó có 46.752 ha có nguy cơ cháy cao. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), những năm qua Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) trong công tác BVR, PCCCR.
Cán bộ kiểm lâm quan sát, phát hiện sớm lửa rừng qua hệ thống camera giám sát tại Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.
Nhằm chủ động trong công tác BVR, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên, đơn vị đã ứng dụng tiến bộ KHCN trong công tác BVR, PCCCR, nâng cao tính ĐDSH. Đến nay, đơn vị đã xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu để thuận tiện cho tra cứu và điều hành, áp dụng công nghệ vào quản lý, BVR, PCCCR, như: sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy GPS trong hoạt động tuần tra rừng, ghi nhận thông tin ĐDSH, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng thông qua ảnh vệ tinh để đánh giá nhanh diễn biến rừng trong kỳ kiểm kê đánh giá. Bên cạnh đó, đơn vị đã ứng dụng thành công sáng kiến “Ứng dụng KHCN để nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật và giám sát ĐDSH tại KBTTN Xuân Liên bằng phần mềm Smat phone”. Ngoài ra, đã thực hiện có hiệu quả và nhân rộng sáng kiến “Ứng dụng bổ sung phần mềm GPS – Photo Link xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và quảng bá các loài cây cổ thụ quý hiếm và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên ở KBTTN Xuân Liên”.
Việc ứng dụng KHCN trong công tác BVR, PCCCR, nâng cao tính ĐDSH ở KBTTN Xuân Liên đã giúp lãnh đạo quản lý nắm bắt được tình hình thực tế các trạm kiểm lâm, làm giảm thời gian đi kiểm tra đến các trạm từ 96 ngày xuống 12 ngày. Công cụ này cũng được áp dụng cho các tổ BVR của các thôn, bản nhận khoán BVR với khu bảo tồn để các trạm kiểm lâm giám sát và điều hành các tổ BVR; tiếp tục thực hiện và nhân rộng sáng kiến ứng dụng hệ thống GPS – Photo Link quản lý cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn với các loài: bách xanh, pơmu, samu, dẻ tùng sọc trắng, sến mật… đưa vào quản lý, giám sát trên phần mềm GPS – Photo Link và trên Website của khu bảo tồn. Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu để thuận tiện cho tra cứu và điều hành, áp dụng công nghệ vào quản lý rừng như sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy GPS trong hoạt động tuần tra rừng, ghi nhận thông tin ĐDSH, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng thông qua ảnh vệ tinh để đánh giá nhanh diễn biến rừng trong kỳ kiểm kê đánh giá. Đây là sáng kiến để cộng đồng chung tay cùng kiểm lâm viên và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, giữ vững an ninh rừng. Việc ứng dụng KHCN trong công tác BVR, phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH ở KBTTN Xuân Liên đã góp phần bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có, nâng cao tính ĐDSH, nâng độ che phủ rừng tại đây lên 97%.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh có 641.893 ha rừng, trong đó có gần 47.000 ha rừng trọng điểm cháy, với trạng thái là rừng hỗn giao nứa, gỗ, rừng nứa, vầu, thực bì là cỏ tranh, lau lách… Đặc biệt là có gần 10.000 ha rừng thông phân bố ở 9 huyện thuộc khu vực đồng bằng ven biển. Đây là khu vực trọng điểm cháy rừng rất cao của tỉnh, có nguy cơ xảy ra cháy lớn trong mùa khô hanh, nắng nóng. Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã ứng dụng KHCN trong công tác BVR, PCCCR. Nét nổi bật là việc đầu tư lắp đặt và sử dụng hệ thống camera quan sát phát hiện sớm lửa rừng. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt 11 hệ thống camera tại các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa. Các camera có độ phân giải cao, khả năng thu nhận hình ảnh 24/24h; hình ảnh được truyền qua mạng internet đến máy tính, thiết bị di động của cán bộ trực chỉ huy chữa cháy rừng, từ đó kịp thời phát hiện sớm lửa rừng.
Ngoài phát hiện nhanh các đám cháy rừng, hệ thống camera còn thay thế hoàn toàn việc bố trí con người trực gác ngoài hiện trường tại những khu vực rừng trong tầm quan sát của camera. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa còn thực hiện hiệu quả mô hình “Sáng kiến cải tạo máy cắt thực bì thành hệ thống chữa cháy rừng cơ động” đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác chữa cháy rừng, được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời lắp đặt 7 trạm khí tượng quan trắc tự động tại các huyện có nguy cơ cháy rừng cao, kết hợp ảnh vệ tinh, bản đồ hiện trạng rừng, các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa còn sử dụng ảnh vệ tinh qua Google Earth, ArcGIS Earth kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp như: Mapinfor, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính và điện thoại sử dụng hệ điều hành Android có cài đặt ứng dụng FRMS (phần mềm theo dõi diễn biến rừng). Với các tính năng như đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ rừng, loài cây trồng, năm trồng, trữ lượng… những thiết bị này đã giúp phát hiện sớm các thay đổi về thông tin lô rừng, kịp thời kiểm tra và cập nhật chính xác những biến động về rừng, đất lâm nghiệp, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, BVR trong giai đoạn hiện nay.