Xuất phát đó đã đặt ra yêu cầu trong bối cảnh hiện nay cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao.

Các đại biểu tại sự kiện (Ảnh: PV)

Chiều 24/7, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: “Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn”. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay chia sẻ, thông qua hội nghị lần này, Ban tổ chức mong muốn tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.

“Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành rất quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn thôn và có nhiều cơ chế chính sách phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Chính phủ cũng đã có Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Việt Nam với 7 vùng sinh thái, nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều sản vật phong phú, là tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn” – ông Hoài cho biết.

Chia sẻ tại Hội nghị, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico cho biết, ở góc nhìn của một người làm nông nghiệp đã gần 20 năm, được đi nhiều nơi, với ngành nông nghiệp có lịch sử phát triển rất nhiều năm, nếu biết khai thác tiềm năng đó gắn với du lịch thì đây sẽ là một ngành cực kì tiềm năng.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam có đặc thù riêng và kinh tế xã hội, các sản vật riêng đều rất phong phú. Trong đó, du lịch nông nghiệp chính là ngành giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, giúp bà con nông dân sống vui khoẻ, tăng thu nhập từ chính sản phẩm của mình, do đó ngành Du lịch và ngoại ngữ đã được Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát triển, đào tạo với các kỹ năng vô cùng đa dạng, từ học ngoại ngữ, marketting đến kỹ năng tổ chức các tour, tuyến, điểm…, thu hút những bạn trẻ có đam mê với nông nghiệp và khoa học sự sống.

Tại điểm cầu trực tuyến ở Lai Châu, ông Và A Chứ là một trong những nông dân làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn thành công ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình.  Trong khi đó, đồng chí Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu thông tin “Để bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn như ngày nay, chính quyền địa phương và người dân Sin Suối Hồ đã cố gắng, nỗ lực rất lớn và trải qua một hành trình dài”.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của mình ở khu vực ĐBSCL, nơi vẫn được đánh giá có sự tương đối đồng nhất giữa các địa phương, anh Võ Văn Phong đến từ Công ty du lịch C2T, Thành Phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) nhấn mạnh: chúng tôi làm du lịch theo hướng liên kết, xây dựng các mắt xích trong chuỗi du lịch giữa chủ các vườn cây ăn trái, các vùng nông sản đặc sản; chủ các homestay; những người làm trong ngành vận tải… tất cả các mắt xích này đều liên kết chặt chẽ với nhau và sẵn sàng tham gia đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cũng tại hội nghị, ông Bùi Quang Doanh, chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững nêu rõ, không chỉ tập trung vào nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp từ bà con nông dân tới cán bộ địa phương mà cần cả chính sách phát triển du lịch địa phương đi đúng hướng hơn./.