Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số – Hướng đi bền vững trong tương lai

Thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp đang đem lại hiệu quả tích cực và được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo ra hướng đi mới, bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các nền tảng số chính là giải pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm; hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thương hiệu cam Vinh được truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Giải pháp quan trọng và hiệu quả

Phát triển các sản phẩm chủ lực dựa vào thế mạnh vùng cùng với đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số là hướng đi mà huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai nhằm đưa sản phẩm OCOP Hà Giang tiêu thụ rộng khắp trên các thị trường.

Ông Bùi Văn Phong (Hợp tác xã Nông nghiệp Xín Mần) cho biết: Hợp tác xã Nông nghiệp Xín Mần chủ yếu sản xuất các sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Xín Mần đã tập trung đầu tư và hoàn thiện các sản phẩm phi nông nghiệp, dịch vụ có thế mạnh của huyện, thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải, may mặc, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Là huyện vùng biên, còn nhiều khó khăn về nguồn lực cũng như điều kiện, trình độ dân trí, tuy nhiên huyện Xín Mần lại có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành nông nghiệp. Để phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện luôn duy trì hoạt động của các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các khu du lịch trọng điểm, các gian hàng để giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện đến với khách du lịch. Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm OCOP theo phương thức truyền thống, Xín Mần cũng đang tập trung áp dụng công nghệ đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử và bước đầu đem lại hiệu quả rất cao. 

Çó thể thấy, những năm gần đây, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ cùng với việc sử dụng internet rộng rãi khiến hoạt động kinh doanh trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ theo. Nhà sản xuất và người tiêu dùng dễ dàng gặp nhau chỉ thông qua một vài thao tác đơn giản. Hàng trăm cuộc hội thảo, đào tạo được mở ra ở nhiều nơi nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, kỹ năng bán hàng trên nền tảng số, phát triển hệ thống bán hàng online…

Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền với chủ đề “Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Lạng Sơn và các địa phương vừa tổ chức tại Hà Nội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác tác xã nông nghiệp giới thiệu tới người tiêu dùng Hà Nội và vùng lân cận những mặt hàng nông lâm thủy sản là đặc sản, sản phẩm chủ lực của các địa phương trong cả nước. Điểm nhấn tại Phiên chợ là hoạt động livestream bán nông đặc sản qua TikTok và các nền tảng mạng xã hội đem đến cho khách hàng có thêm phương thức giao dịch hiệu quả, mua sắm và tạo sự lan tỏa giá trị, cảm xúc khi trải nghiệm nông đặc sản địa phương. 

Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đào Văn Hồ khẳng định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp kể từ đầu năm 2020 đã kéo theo những đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng và thương mại ở bình diện toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên toàn quốc cũng như thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhất định, nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa. 

Hình thức mua sắm trực tuyến được hình thành và trở nên phổ biến với các sản phẩm nông nghiệp. Việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã đến mùa thu hoạch, không thể để quá thời gian và cần được bán trong thời gian sớm nhất.

Thay đổi tư duy khi bán hàng

Có thể nói thương mại điện tử đang tạo ra một xu hướng kinh doanh và tiêu dùng mới. Đây là xu hướng tất yếu khi công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với đó, thương mại điện tử đang phần nào trở thành một phương thức quan trọng trọng hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Việc phát triển ứng dụng “chợ số địa phương” đã mở rộng thêm các nhà phân phối, người bán hàng, giúp thương hiệu sản phẩm được cung cấp online 24h/7 ngày. Đặc biệt, hệ thống “chợ số địa phương” còn giúp việc quảng bá các đặc sản của địa phương đến được khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc; hỗ trợ các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề có thêm kênh phân phối với thị trường rộng khắp; gia tăng thêm nguồn thu nhập cho các thanh niên; mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, cơ hội hợp tác kinh doanh hoặc đang tham gia phát triển kinh tế tại gia đình, đồng thời trực tiếp hỗ trợ các thành viên mạng lưới hoạt động hiệu quả tại địa bàn quản lý…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực trụ cột và tiên phong của nền kinh tế số, được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki được chính thức vận hành đã mở ra kênh phân phối mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương; đồng thời tạo ra kênh tiêu dùng mới uy tín đối với người tiêu dùng cả nước, được các tỉnh, thành trong cả nước và doanh nghiệp đánh giá rất cao. 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiệu quả của việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử rất cao nhưng việc thực hiện không phải dễ dàng, do nhận thức của các công ty, hợp tác xã và nông dân về phương thức kinh doanh thông qua thương mại điện tử còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, nông sản Việt Nam hiện có quá nhiều chủng loại, chất lượng không đồng đều, thông tin xuất xứ còn chưa rõ ràng…

Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế về chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin, kỹ năng bán hàng, cơ hội quảng bá trực tuyến, hình ảnh sản phẩm và xây dựng hình ảnh sản phẩm, thương hiệu… Đa số các doanh nghiệp vẫn còn thói quen kinh doanh truyền thống qua các thương lái.

Nhiều nhà khoa học phân tích, để đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử thành công, ngoài việc phát huy thế mạnh về năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp cần trang bị những giải pháp xuất khẩu toàn diện.

Để sản phẩm được công nhận lưu thông cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất được nguồn gốc, được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP … Ngoài ra, khi đưa sản phẩm lên tiêu thụ trên nền tảng số, cần đảm bảo cung cấp ổn định, cập nhật thông tin thường xuyên để theo dõi đơn hàng và điều quan trọng hơn là uy tín và chất lượng sản phẩm cung cấp cần phải được đưa lên hàng đầu.

Để làm tốt điều đó, bên cạnh những giải pháp về mặt kinh tế, các doanh nghiệp cũng có thể tuyển lao động có kiến thức tốt về khoa học kỹ thuật; đồng thời nâng cao kỹ năng chăm sóc khách hàng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi lựa chọn các sản phẩm được giới thiệu trên nền tảng công nghệ số…

PV
Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top