Đoàn đã đến thăm nhà máy Cá Ngừ, Trại tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, thủ phủ nuôi tôm hùm ở Phú Yên.
Đoàn khảo sát tại Thị xã Sông Cầu – Thủ phủ nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên (Ảnh : Thuonggia24h.vn)
Ông Zheng Junhui – Chủ tịch Đầu tư công nghiệp Yuedong Thượng Hải khảo sát giống tôm hùm (Ảnh : Thuonggia24h.vn)
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ông Tạ Anh Tuấn đã thông tin khái quát về tình hình và hướng phát triển thủy sản, vùng nuôi trồng tôm hùm.
Ông Tạ Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (Ảnh : Thuonggia24h.vn)
Có khoảng 70% sản phẩm tôm hùm của tỉnh Phú Yên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này đang gặp khó khăn về việc xuất khẩu tôm hùm theo đường hàng không gây tốn nhiều chi phí vận chuyển dẫn đến lợi nhuận thấp. Thời gian qua, hoạt động mua bán tôm hùm tươi sống đang sôi động trở lại sau khi Trung Quốc mở cửa khẩu đường bộ trở lại sau 3 năm tạm đóng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Ông Tạ Anh Tuấn chia sẻ với Tập đoàn CĐ Việt Nam cùng với các nhà đầu tư Trung Quốc về mong muốn tôm hùm Phú Yên sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang đa dạng các thị trường.
Ông Cao Đài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn CĐ Việt Nam (Ảnh : Thuonggia24h.vn)
Nhận thấy tỉnh Phú Yên là địa phương có tiềm năng tốt về thủy sản, đặc biệt là tôm hùm, Tập đoàn CĐ cùng các nhà thầu Trung Quốc bày tỏ quyết tâm trong việc đầu tư lâu dài tại Phú Yên“Chúng tôi và các nhà đầu tư trong thời gian khảo sát cùng ban ngành địa phương thị xã Sông Cầu và qua quá trình làm việc với các lãnh đạo tỉnh Phú Yên, định hướng của chúng tôi về trước mắt cũng như lâu dài sẽ thực hiện đưa giống tôm hùm vào Phú Yên để cùng các hộ kinh doanh nuôi trồng sau đó sẽ xuất khẩu toàn bộ số tôm hùm sang nước ngoài”.
Để hướng đến xuất khẩu chính ngạch tôm hùm sang Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp hướng đến tôm hùm nuôi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong đó, rà soát, tích hợp vào quy hoạch tỉnh một số vùng nuôi tôm hùm công nghệ cao trong bể trên bờ để đa dạng hình thức nuôi, cơ cấu lại vùng nuôi, giảm áp lực nuôi trên vịnh Xuân Đài, đảm bảo phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững.
Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ ngành hàng tôm hùm để tăng năng lực sản xuất và tiêu thụ; ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, cá nhân nuôi tôm hùm trên biển, trên bờ; cấp mã số vùng nuôi, giám sát truy xuất nguồn gốc tôm hùm nuôi để xuất khẩu sản phẩm chính ngạch đến thị trường Trung Quốc mang lại nguồn thu ngoại tệ và lợi nhuận cao./.