IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu lên mức kỷ lục

Ngày 11/8, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2023 lên mức kỷ lục 102,2 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Một nhà máy lọc dầu ở Navodari,Romania. Ảnh: TTXVN

Theo IEA, nhu cầu của thị trường Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 70% mức tăng trên, với các yếu tố chính thúc đẩy là gia tăng nhu cầu du lịch vào mùa Hè, cũng như trong sản xuất năng lượng và hoạt động hóa dầu tại nước này.

Dự báo mới này không quá chênh lệch so với con số trước đó. Tháng 6 vừa qua, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập niên này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang công nghệ sạch.

IEA cũng điều chỉnh dự báo nhu cầu trong năm 2024, cho rằng ước tính nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chỉ tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong năm này, giảm nhẹ so với mức 1.150.000 thùng/ngày được đưa ra trước đó.

Cơ quan này cho rằng mức điều chỉnh trên là phù hợp, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều thách thức do tỷ lệ lạm phát tăng cao, tín dụng ngân hàng bị siết chặt gây khó khăn cho các doanh nghiệp vốn đã phải chật vật tìm cách giải quyết sự trì trệ trong hoạt động sản xuất và thương mại.

Nguồn cung thắt chặt đã tạo động lực cho đà đi lên của giá dầu mỏ. Trong phiên giao dịch ngày 10/8, giá dầu Brent đã tăng lên mức 88 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. IEA cảnh báo trữ lượng dầu thế giới có thể giảm mạnh trong giai đoạn còn lại của năm 2023, dẫn đến việc giá cả tiếp tục leo thang.

Tháng 6 vừa qua, nhu cầu dầu mỏ đã đạt mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày, song IEA dự đoán con số này có thể tăng cao hơn nữa trong tháng 8 này.

Trong báo cáo vừa công bố ngày 10/8, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, so với mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày của năm 2023.

Báo cáo của OPEC cũng cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 7 vừa qua đã giảm mạnh khi Saudi Arabia thực hiện cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.

OPEC và các đối tác, được gọi là nhóm OPEC+, đã bắt đầu hạn chế nguồn cung vào cuối năm 2022 nhằm thúc đẩy thị trường. Tháng 6 năm nay, OPEC+ thống nhất tiếp tục chính sách hạn chế nguồn cung trong năm 2024.

Nếu các mục tiêu hiện tại của OPEC+ được duy trì, tổ chức này dự báo kho dự trữ dầu sẽ được bổ sung thêm 2,2 triệu thùng/ngày trong quý III và 1,2 triệu thùng/ngày trong quý IV, thúc đẩy một đợt tăng giá dầu khác./.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top