Mở ra cơ hội cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp

Ngay từ đầu năm, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề đã bắt đầu tuyển sinh năm học 2024 – 2025 với nhiều ưu đãi về học phí, ngành nghề mới cũng như cơ hội việc làm hấp dẫn… nhằm thu hút người học.

Giới thiệu mô hình tự động hóa cho sinh viên Lớp điện tử công nghiệp K13, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đây là ưu thế tuyển sinh quanh năm của các trường cao đẳng, trung cấp nghề, đồng thời giúp phụ huynh, học sinh có thêm nhiều lựa chọn khi chuẩn bị bước vào kỳ thi lên lớp 10 và tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Tuyển sinh sớm, thu hút học sinh

Ngay từ cuối năm 2023, Trường Cao đằng Công nghệ cao Hà Nội đã ra thông báo tuyển sinh năm học 2024 – 2025 với cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra có việc làm với thu nhập từ 8 – 20 triệu đồng/tháng và có thể tự tạo việc làm. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1/1 đến 31/12/2024 bằng hình thức xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở với hệ trung cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông với hệ cao đẳng. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào hệ trung cấp, cao đẳng chính quy, cao đẳng chất lượng cao hoặc cao đẳng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sỹ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều năm qua nhà trường luôn lấy mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là kim chỉ nam cho hoạt động. Để phù hợp với xu thế phát triển, nhà trường đã và sẽ mở thêm các ngành nghề mới để tuyển sinh, điển hình như nghề du lịch sinh thái; công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản; đồng thời có một số ngành liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Đặc biệt trong công nghệ bán dẫn, có thêm các ngành về lập trình chíp. Mục tiêu của nhà trường là 100% học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm sau 6 tháng; trong đó đã có gần 90% học sinh, sinh viên có việc làm trước khi ra trường

Theo Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh, theo xu thế của xã hội, nhận thức, suy nghĩ của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cũng như học sinh đã có sự thay đổi thực tế hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các em có kiến thức, kỹ năng tay nghề cao luôn được doanh nghiệp quan tâm, ưu tiên hơn trong việc lựa chọn. Khi lựa chọn học nghề là các em đã xác định sẽ sống với nghề, vươn lên phát triển, gắn bó cùng doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc đào tạo theo mô hình 9+ cũng được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Xu hướng học sinh tốt nghiệp Phổ thông Cơ sở đăng ký vào học ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề để vừa học văn hóa, vừa học nghề ngày càng cao. Quy mô tuyển sinh của Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cũng tăng theo từng năm. Cách làm này giúp học sinh vừa rút ngắn được thời gian học, tiết kiệm chi phí, lại có tay nghề để tham gia thị trường lao động, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các em trong tương lai – Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh chia sẻ.

Hoạt động đào tạo và giảng dạy với triết lý: “Thực học – Thực hành – Thực chiến”, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tạo cơ hội việc làm tốt nhất cho sinh viên. Liên kết với hơn 300 doanh nghiệp, nhà trường cam kết 98% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Năm học 2024 – 2025, trường mở tuyển sinh từ ngày 15/1 đến 31/12/2024 hệ cao đẳng với các thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tương đương; hệ trung cấp đối với học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở trở lên. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến; nộp hồ sơ trực tiếp tại trường hoặc gửi hồ sơ điều kiện xét tuyển qua bưu điện.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thu Hà cho biết: Ngay sau Tết nhà trường đã triển khai đồng loạt các kênh tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến. Đến thời điểm này, trường đã thu hút được gần 1.000 hồ sơ đăng ký nhập học. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, du lịch phục hồi, các khối ngành về du lịch cũng tăng trưởng, vì vậy nhóm ngành du lịch, quản trị nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn đều đạt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Một điểm mạnh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội Khuất Duy Bằng nêu rõ: Nhà trường rất quan tâm việc kết nối với doanh nghiệp, học sinh ngay từ năm thứ 2 đã được trực tiếp thực hành, làm việc tại các doanh nghiệp. Hoạt động này có các lợi thế là học sinh được tiếp cận trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp từ sớm; trong quá trình thực hành, làm việc, các em được trả lương, có thêm động lực, nỗ lực học tập. Về phía nhà trường, trong quá trình gắn kết với doanh nghiệp, các thầy cô giáo cũng được tiếp cận, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, công nghệ mới.

Về cơ bản, học sinh của nhà trường sau khi ra trường đều được các doanh nghiệp tiếp nhận. Tại lễ bế giảng hàng năm sẽ có các doanh nghiệp đến tư vấn, giới thiệu việc làm, học sinh sẽ là người được lựa chọn doanh nghiệp phù hợp về mức lương, vị trí làm việc. Mức lương cơ bản từ 10 – 18 triệu đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, khoảng 90 – 95% các em ra trường sẽ đi làm ngay, khoảng 5 – 10% các em sẽ học liên thông lên cao đẳng. Nhà trường luôn chủ động khảo sát thị trường lao động; đồng thời căn cứ vào nhu cầu của xã hội để đào tạo, vì vậy tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm ngay rất cao.

Bà Trần Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề cơ khí 1 Hà Nội cho biết, hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghệp đã linh hoạt hơn trong đào tạo để học sinh, sinh viên có lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu thị trường, quan trọng là được làm việc ngay sau khi ra trường.

Với xu thế của xã hội, các ngành nghề mới, đặc biệt là Logistics, công nghệ 4.0 đang rất “hot” và mở rộng rất nhiều. Để tiếp cận những xu hướng này, mô hình đào tạo gắn chặt với doanh nghiệp đang được Trường Trung cấp nghề cơ khí 1 Hà Nội thực hiện tương đối tốt. Học sinh của nhà trường được đào tạo tại các doanh nghiệp một số ngành nghề cơ bản như: Công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp… Bên cạnh đó, nhà trường cũng nghiên cứu, thay đổi cho phù hợp với các mô đun đào tạo tại doanh nghiệp, chỉnh sửa chương trình đào tạo, trang thiết bị máy móc cũng phải thay đổi theo thị trường hiện nay – bà Trần Thu Hà chia sẻ.

Hiện cả nước có gần 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng với việc thay đổi theo hướng ưu tiên đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động mở ra nhiều hướng phát triển cho học sinh phổ thông. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nêu rõ: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp với vai trò tạo ra những lao động trực tiếp, đáp ứng ngày càng linh hoạt, thường xuyên của thị trường lao động đang ngày càng được quan tâm, chú trọng phát triển. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về việc học nghề cũng đang dần thay đổi. Đây chính là cơ hội để giáo dục nghề nghiệp phát triển.

Năm 2023, tuyển sinh học nghề ước đạt gần 2,3 triệu người, đạt 100% kế hoạch; năm 2024, ngành phấn đấu đào tạo hơn 2,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Hương cho biết để thực hiện được mục tiêu này, ngành hướng đến thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến về quy mô, chất lượng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Theo: baotintuc.vn
Spread the love
Back To Top