Theo báo Nikkei Asia ngày 3/8, mặc dù lợi suất trái phiếu Nhật Bản đang tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) điều chỉnh chính sách vào tuần trước, nhưng các suy đoán cho rằng BoJ không có kế hoạch chấm dứt nới lỏng tiền tệ đã đẩy đồng yên giảm giá trở lại.
Đồng yen Nhật. Ảnh: AFP/TTXVN
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mới đã tăng tới 0,625% vào ngày 2/8, mức cao nhất kể từ tháng 4/2014. Điểm chuẩn có xu hướng tăng kể từ khi BoJ ngày 28/7 quyết định thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, cho phép tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm lên tới 1%.
Ngân hàng cũng đã tiến hành một hoạt động mua trái phiếu theo lịch trình vào ngày 2/8. BoJ giữ nguyên số tiền chào mua so với hoạt động trước đó, một động thái được coi là dấu hiệu cho thấy sự chấp nhận của ngân hàng đối với lợi suất cao hơn.
Đồng yen giảm giá được cho là một yếu tố thúc đẩy ngân hàng hành động. Thế nhưng đồng tiền Nhật Bản đã suy yếu khoảng 5 yen so với đồng USD kể từ động thái của BoJ, giao dịch trong phạm vi 143 yen/USD vào ngày 2/8.
Lợi suất cao hơn thường dẫn đến tiền tệ mạnh hơn. Với lãi suất dài hạn của Mỹ khoảng 4% so với 0,5% hoặc thấp hơn của Nhật Bản, các nhà đầu tư đã mua đồng USD thay vì đồng yen. Sự thay đổi gần đây của BoJ và việc tăng lãi suất sau đó đã thu hẹp khoảng cách lãi suất, điều thường sẽ làm tăng sức mạnh của đồng yen so với đồng USD.
Tuy nhiên, đồng yen vẫn yếu, một phần vì BoJ đã phát tín hiệu phản đối việc tăng lãi suất nhanh chóng.
BoJ đã tiến hành một hoạt động đột xuất vào ngày 31/7, mua 300 tỷ yen (2,09 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) với kỳ hạn trên 5 năm nhưng dưới 10 năm. Động thái này được đưa ra khi lợi tức kỳ hạn 10 năm tăng tới 6,5 điểm cơ bản.
Thống đốc Kazuo Ueda cho biết ngày 28/7 rằng ngân hàng trung ương sẽ thực hiện các biện pháp để “làm dịu sự lây lan của việc bán tháo trái phiếu mang tính đầu cơ”.
Một yếu tố khác là BoJ vẫn cam kết nới lỏng đường cong lợi suất. Ông Ueda cho biết việc sửa đổi kiểm soát đường cong lợi suất “không phải là một bước tiến tới bình thường hóa chính sách”, coi động thái này là một phần trong chiến lược của ngân hàng nhằm duy trì chính sách nới lỏng.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế và giá cả, BoJ đã hạ dự báo lạm phát cơ bản cho năm tài chính 2024 xuống 1,9% và giữ nguyên dự báo của tài khóa 2025 ở mức 1,6%. Cả hai con số đều không đạt được mục tiêu của BoJ về tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức 2%, củng cố quan điểm rằng ngân hàng sẽ không loại bỏ lãi suất âm trong một thời gian.
Lãi suất tăng chậm có thể khiến đồng yen yếu đi, điều này có thể gây ra một đợt tăng giá nhập khẩu khác. Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Đồng yen sẽ tiếp tục giảm giá cho đến khi BoJ cho phép tăng mạnh lãi suất”.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn còn. Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ hàng đầu tại Mizuho Securities, cho biết: “Có khả năng cao là BoJ có thể nâng dự báo lạm phát và lãi suất dài hạn sẽ tăng lên 1%, gây áp lực tăng giá đối với đồng yen”.