Thanh toán điện tử đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Malaysia, đặc biệt là kể từ sau đại dịch COVID-19 bùng phát.
Với những thuận tiện từ thanh toán điện tử, người dân Malaysia đã không sử dụng tiền mặt khi mua hàng hóa, dù sản phẩm có giá trị lớn hay nhỏ. Ảnh: AFP/TTXVN
Với tính thuận tiện, nhanh chóng và tránh được rủi ro về an ninh khi mang theo nhiều tiền mặt, người dân Malaysia đã không sử dụng tiền mặt khi mua hàng hóa, bao gồm cả những sản phẩm có giá trị lớn, hay thanh toán những hóa đơn nhỏ khi đi mua hàng hóa thiết yếu.
Ngoài thanh toán điện tử bằng các hình thức như thẻ ngân hàng, chuyển khoản qua internet banking, người dân Malaysia cũng thường sử dụng quét mã QR thông qua DuitNow QR. Hệ thống này được kết nối với nhiều hệ thống thanh toán quốc tế khác như NETS của Singapore, PromptPay của Thái Lan hay QRIS của Indonesia, qua đó cho phép các doanh nghiệp ở Malaysia và du khách từ các quốc gia khác sử dụng đồng nội tệ để thực hiện giao dịch thông qua DuitNow QR.
Điều này có nghĩa là du khách từ những quốc gia khác có thể dễ dàng quét DuitNow QR bằng ứng dụng ngân hàng di động hoặc ví điện tử để thanh toán ngay lập tức khi đi du lịch ở Malaysia. Ngược lại, khi đi du lịch ra nước ngoài, người dân Malaysia có thể thực hiện thanh toán ngay lập tức bằng cách quét mã QR thông qua các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử tương tự.
Đối với các doanh nghiệp, việc chuyển sang thanh toán điện tử có thể giảm đáng kể nguy cơ thất thoát tài chính với chi phí thấp. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không cần phải dành thời gian kiểm kê hoặc mất thêm chi phí để thuê nhân viên thu ngân, đồng thời dữ liệu về giao dịch trong hệ thống thanh toán cũng giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, nhân lực phục vụ công tác kế toán.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tiến sĩ Shankaran Nambiar, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Malaysia (MIER) cho hay: “Một số ngân hàng ở Malaysia đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán xuyên biên giới thông qua các phương thức kỹ thuật số. Chính phủ đã có nhiều thỏa thuận liên quan đến thanh toán xuyên biên giới và người dân có thể sử dụng đồng nội tệ để thanh toán tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ”.
Theo ông Nambiar, thanh toán xuyên biên giới thông qua hệ thống kỹ thuật số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng giao dịch, đồng thời giúp nền kinh tế Malaysia giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD. Chính sách phi đô la hóa này đã được Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim công bố trong chuyến công du đến Trung Quốc hồi năm ngoái. Với những ưu điểm trên, các ngân hàng ở Malaysia cũng đang mở rộng phạm vi hợp tác với các đối tác khác ở khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới.
Hiện nay, thanh toán điện tử đã cho thấy nhiều ưu điểm hơn so với việc sử dụng tiền mặt và đã đến lúc Malaysia cần đẩy mạnh phổ biến hình thức này để hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế số.