Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội

Hơn 100 người là cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế đã mặc trang phục áo dài tham gia chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội”.
Đoàn di chuyển qua khu di tích Hoàng thành Thăng Long, công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến của Việt Nam và cũng là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích lịch sử của Việt Nam. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN

Sáng 1/9, tại di sản Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội” lần thứ nhất, năm 2023. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Đoàn di chuyển qua khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN

Hơn 100 người là cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế, gồm cả nam và nữ mặc trang phục áo dài tham gia chương trình.

Sau lễ phát động, mọi người diễu hành áo dài với xe đạp quanh các tuyến phố Hà Nội. Đoàn diễu hành sẽ đi qua các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ tập trung nhiều điểm du lịch: Hoàng Diệu – Điện Biên Phủ – Độc Lập (Quảng trường Ba Đình) – Hoàng Văn Thụ – Hùng Vương – Thanh Niên (Chùa Trấn Quốc) – Phan Đình Phùng – Hàng Đậu – Trần Nhật Duật – Ô Quan Chưởng – Hàng Chiếu – Đồng Xuân – Hàng Khoai – Hàng Lược – Chả Cả – Lương Văn Can – Lê Thái Tổ – Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) – Cầu Gỗ – Nguyễn Hữu Huân – Lý Thái Tổ – Ngô Quyền – Lý Thường Kiệt – Lê Thánh Tông – Nhà hát Lớn – Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ – Hoàng Diệu – Hoàng thành Thăng Long.

Hồ Hoàn Kiếm (hay còn được gọi là Hồ Gươm) nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12ha, bao quanh bởi 3 con phố là Lê Thái Tổ, Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN

Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ chương trình “Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023”, đồng thời là hoạt động gắn kết áo dài với di sản và điểm đến du lịch Hà Nội.

Đoàn di chuyển qua Ô Quan Chưởng. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhằm tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống áo dài là giá trị di sản của văn hóa Việt Nam. Áo dài không chỉ là bộ trang phục mà còn mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt áo dài sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, trong các hoạt động văn hóa, du lịch. Đối với đô thị phát triển thì phương tiện công cộng, trong đó xe đạp là phổ thông, giúp giảm thiểu phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Đoàn di chuyển qua khu vực Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

“Chúng tôi muốn kết hợp áo dài, di sản và xe đạp nhằm mục tiêu kết nối áo dài với di sản, thông qua hoạt động này để tôn vinh các giá trị văn hóa Việt. Đặc biệt, với cung đường đi qua các điểm di sản của Hà Nội, chúng tôi cũng muốn lan tỏa hình ảnh các điểm di sản đến bạn bè trong nước và quốc tế” – ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Đoàn di chuyển qua Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

Chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội” nhằm kích cầu du lịch của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đồng thời khai thác, tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam gắn với di sản và du lịch.

Thông qua đó, Ban Tổ chức tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch Hà Nội và mong muốn sự kiện trở thành hoạt động thường niên dịp lễ Quốc khánh 2/9 hàng năm./.

Hơn 100 nam, nữ trong trang phục áo dài cùng xe đạp qua các điểm du lịch di sản của Hà Nội. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN
Những bó hoa tươi thắm gắn kèm hastag “I Love HaNoi” được quảng bá trong suốt hành trình. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN
Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội, hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về Hà Nội hòa bình, xinh đẹp. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN
Đoàn di chuyển qua Đền Quán Thánh là một trong bốn ngôi đền linh thiêng, bảo vệ cho mảnh đất Thăng Long, và trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của mảnh đất Kinh Kỳ. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN
Đoàn di chuyển qua Tòa nhà Quốc hội trên đường Độc Lập. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN
Đoàn di chuyển qua Lăng Bác và quảng trường Ba Đình. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN
Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top