Chế độ ăn giúp phòng và chống tăng huyết áp hiệu quả

Tăng huyết áp (THA) là bệnh phổ biến và là một yếu tố nguy cơ rất quan trọng trong bệnh lí của tim và các mạch máu. Phát hiện và điều trị sớm, đúng cách, tình trạng THA sẽ góp phần giảm được rõ rệt tỉ lệ các biến chứng về tim mạch như đột qụy, nhồi máu cơ tim, suy thận… Một chế độ ăn hợp lí, khoa học là nhân tố quan trọng để phòng và chống THA hiệu quả…

Yêu cầu dinh dưỡng đối với người bệnh THA là: Ăn uống hợp lí, đủ chất, bảo đảm cho tim mạch hoạt động tốt, tránh hoặc hạn chế các bệnh gây THA như: Vữa xơ động mạch, cholesterol máu cao, tiểu đường, suy gan, thận…

Những thực phẩm người THA nên dùng

Quả mọng: Các loại quả mọng, đặc biệt là quả việt quất chứa nhiều oxit nitric giúp tăng lưu lượng máu, do đó làm giảm huyết áp. Một nghiên cứu của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho thấy, thậm chí ít hơn 28 gram quả việt quất mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp đáng kể.

Tỏi: Theo Viện Y tế Quốc gia, hợp chất allicin trong tỏi có thể giúp giảm huyết áp. Allicin được giải phóng khi tỏi được đập dập hoặc băm nhỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyến khích sử dụng thực phẩm bổ sung tỏi vì có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của chúng đối với bệnh THA.

Sữa chua ít béo hoặc không béo: Các sản phẩm từ sữa ít béo là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, là một trong những hợp chất chính giúp chống lại bệnh cao huyết áp.

Cá hồi: Cá béo như cá hồi và cá thu có nhiều axit béo omega-3, giúp giảm viêm và có thể giúp giảm huyết áp. Chúng cũng là một nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời, giúp cơ thể hấp thụ canxi, chống trầm cảm và điều hòa huyết áp.

Trái bơ: Trái bơ là một nguồn cung cấp canxi, magiê và kali tuyệt vời. Một quả bơ chứa khoảng 975 miligam kali, chiếm khoảng 25% lượng tiêu thụ hằng ngày của bạn.

Rau lá xanh: Các loại rau xanh bao gồm cải xoăn, rau bina, rau cải thìa, rau arugula, rau diếp,… là những nguồn cung cấp kali tuyệt vời.

Khoai lang: Khoai lang giàu kali và magiê là một phần thiết yếu của việc tuân theo chế độ ăn giảm huyết áp. Khoai lang cũng giàu chất xơ rất tốt cho tim mạch của bạn.

Quả kiwi: Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Oslo, ăn ba quả kiwi mỗi ngày đã được chứng minh là làm giảm huyết áp đáng kể. Tất nhiên, không có loại trái cây hoặc rau quả thần kì nào giúp thoát khỏi các vấn đề về huyết áp, nhưng thêm nhiều kiwi vào chế độ ăn uống của bạn có thể là một lựa chọn tốt.

Bông cải xanh: Loại rau họ cải như bông cải xanh có chứa nhiều canxi, kali, magie và vitamin C có thể giúp giảm huyết áp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều rau họ cải đã làm giảm mức độ bệnh tim và kéo dài tuổi thọ.

Ớt chuông đỏ: Ớt chuông đỏ giúp giảm huyết áp cao với sự giúp đỡ của kali và vitamin A. Chúng cũng giàu chất xơ và vitamin C, làm cho nó trở thành một món ăn nhẹ lành mạnh để bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày.

Thực phẩm người cao huyết áp không nên hoặc nên hạn chế ăn

Muối: Là cái tên đầu tiên trong danh sách người cao huyết áp không nên ăn, thực sự nó gây tác động rất tiêu cực đến bệnh lí này. Lời khuyên của các chuyên gia y tế là người bị cao huyết áp cần kiểm soát lượng muối sử dụng mỗi ngày dưới 1.500mg. Không chỉ muối gia vị trong chế biến thực phẩm, cần kiểm soát cả muối có sẵn trong thực phẩm đóng gói. Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã tuyên bố, 75% lượng muối người dân nước này tiêu thụ hằng ngày đến từ thực phẩm đóng gói. Ở Việt Nam, xu hướng sử dụng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn ngày càng tăng, cảnh báo nguy cơ nạp muối quá mức gây ra bệnh cao huyết áp và tim mạch.

Thịt nguội: Nếu bạn thắc mắc cao huyết áp không nên ăn gì thì câu trả lời là thịt nguội. Thịt nguội đã được xử lí, ướp gia vị bảo đảm người dùng có thể sử dụng ngay không cần chế biến, vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên, thịt nguội được bảo quản bằng lượng muối lớn nên thời gian sử dụng dài. Trung bình, một phần 60g thịt nguội chứa đến 500mg muối natri, chiếm đến 1/3 lượng muối nên tiêu thụ mỗi ngày. Vì thế hãy hạn chế loại thực phẩm này, dù những bữa ăn đơn giản với thịt nguội cùng phô mai, bánh mì rất tiện lợi và dễ ăn.

Bánh Pizza: Đặc biệt là Pizza đông lạnh là thực phẩm không nên ăn của người bệnh cao huyết áp bởi nó chứa lượng Natri rất lớn. Muối có cả trong thịt ướp, phô mai, sốt cà chua cùng lớp vỏ bánh. Hơn nữa để tăng thêm hương vị cho bánh, nhà sản xuất còn dùng thêm muối khi chế biến bánh. Một phần Pizza phô mai thịt có thể khiến cơ thể nạp vào tới 700mg muối, bánh càng nhiều lớp phủ phô mai thì hàm lượng Natri càng cao.

Dưa muối: Đây là loại thực phẩm được nhiều người Việt Nam yêu thích, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon hay để ăn kèm. Thế nhưng dưa muối hay bất cứ thực phẩm nào muối cũng đều cần dùng lượng muối rất lớn để ngăn chặn sự phân hủy của thực phẩm. Dưa muối càng bảo quản lâu càng ngậm nhiều muối. Một miếng dưa muối có thể ngậm đến 390mg Natri, một bữa ăn bạn thường nạp vào nhiều hơn như thế.

Đường: Nhiều người cho rằng đường chỉ nên hạn chế ở những người thừa cân béo phì, thế nhưng đường cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp. Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo, người bình thường muốn giữ huyết áp ổn định nên kiểm soát lượng đường nạp vào mỗi ngày như sau: Phụ nữ tối đa 24g mỗi ngày, nam giới tối đa 36g mỗi ngày.

Da gà và thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu

Người cao huyết áp cần kiểm soát lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm mà cơ thể nạp vào mỗi ngày. Nhóm thực phẩm này bao gồm: Da gà, thịt đỏ, bơ, sữa béo,…

Việc hấp thụ quá nhiều chất béo xấu này làm tăng LDL trong máu, khiến tình trạng cao huyết áp tồi tệ hơn. Bệnh nhân còn phải đối mặt với nguy cơ phát triển bệnh tim mạch như: Xơ vữa động mạch, tắc hẹp động mạch, nhồi máu cơ tim,…

Thức uống chứa cồn: Nếu sử dụng với lượng vừa phải hằng ngày, loại thức uống này có thể có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng hầu hết người bệnh lạm dụng thức uống chứa cồn, nó không những gây tăng huyết áp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trọng cơ thể như: Gan, thận, dạ dày,… Hơn nữa, thức uống chứa cồn cũng làm giảm hiệu quả điều trị cao huyết áp bằng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng rượu trong điều trị bệnh.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top