Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của các Dự án Cao tốc Bắc-Nam ra sao?

Các Dự án Cao tốc Bắc-Nam vẫn “hấp thụ” chủ yếu nguồn vốn đầu tư mà Bộ GTVT cần phải giải ngân theo kế hoạch. Hai dự án thành phần giải ngân cao nhất là Cần Thơ-Hậu Giang (91%), Vũng Áng-Bùng (86%).

Các Dự án Cao tốc Bắc-Nam vẫn chiếm nhiều nhất nguồn vốn đầu tư công cần phải giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trong tổng số vốn hơn 46.400 tỷ đồng được bố trí trong năm 2023 của các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, tính đến hết tháng Mười vừa qua, dự án đã giải ngân được hơn 33.200 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân của Dự án Cao tốc Bãi Vọt-Hàm Nghi (74%), Bùng-Vạn Ninh (70%), Vạn Ninh-Cam Lộ (75%), Vân Phong-Nha Trang (73%), Hậu Giang-Cà Mau (77%), Hàm Nghi-Vũng Áng (66%), Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (69%), Hoài Nhơn-Quy Nhơn (66%), Quy Nhơn-Chí Thạnh (60%), Chí Thạnh-Vân Phong (64%).

Đặc biệt, hai dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân cao nhất là đoạn Cần Thơ-Hậu Giang (91%), Vũng Áng-Bùng (86%).

Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải được phân bổ hơn 95.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, chủ yếu cho dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Trong đó, Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 được bố trí hơn 17.500 tỷ đồng; Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 được bố trí gần 46.400 tỷ đồng. Các dự án quan trọng, cấp bách được bố trí số vốn gần 1.600 tỷ đồng. Nhóm dự án ODA được bố trí hơn 7.800 tỷ đồng; các dự án trong nước khác được phân bổ số vốn gần 27.800 tỷ đồng.

Nhằm tăng tốc tiến độ giải ngân, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; đẩy nhanh thủ tục quyết toán các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cần phối hợp với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng; rà soát để điều hòa nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự kiến không giải ngân hết cho công tác xây dựng, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao…/.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top