Ngày 9/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết 21.000 ống thuốc phenobarbital dạng tiêm đã về đến Việt Nam sau thời gian dài bị gián đoạn. Cùng với 1.000 lọ Immunoglobulin, số thuốc này đã được cung ứng ngay cho 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khi dịch đang trong giai đoạn đỉnh điểm. 

Phenobarbital là thuốc điều trị quan trọng có trong phác đồ điều trị tay chân miệng, ưu tiên dạng tiêm khi bệnh nhân nặng. Thuốc có vai trò cắt các cơn co giật kéo dài và dự phòng các tái phát co giật, an thần, làm giảm các biểu hiện thần kinh, giật mình ở trẻ. Khi trẻ phù não (trong trường hợp nặng), thuốc góp phần làm giảm phù não, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của não.

Theo Sở Y tế TP.HCM, công tác điều trị bệnh tay chân miệng gặp khó khăn khi nguồn cung ứng thuốc phenobarbital trong nước bị hạn chế và gián đoạn một thời gian dài, từ cuối năm 2020.

Loại thuốc rất quan trọng với trẻ bị tay chân miệng nặng. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP.HCM đã họp và thống nhất chọn lựa các thuốc an thần khác tạm thay thế trong thời gian chờ đợi nguồn cung ứng. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu.

Một trường hợp mắc tay chân miệng tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: GL.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tuần qua thành phố ghi nhận gần 2.700 ca tay chân miệng, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình tháng trước. Khoảng 60-80% bệnh nhi từ các tỉnh khác chuyển đến. Nhiều trường hợp trở nặng rất nhanh, diễn tiến nguy kịch. 

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa cứu sống trẻ tay chân miệng độ 4 có rối loạn nhịp tim, ngưng tim bằng kỹ thuật ECMO. Đây là ca tay chân miệng đầu tiên trên cả nước phải dùng kỹ thuật này.