Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực cho việc đạt thỏa thuận nhằm cải cách quy định về chi ngân sách của khối, với cuộc họp dự kiến diễn ra cuối tháng để thảo luận về các chi tiết.
Cờ của Liên minh châu Âu tại trụ sở ở Bỉ. Ảnh: Reuters
Ủy ban châu Âu đầu năm nay đã công bố các đề xuất cải cách các quy định về chi ngân sách vốn được biết đến với tên gọi Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định đã bị dừng kể từ năm 2020, khi đại dịch đã khiến các quốc gia EU chi hàng tỷ euro để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Các quy định trên tiếp tục bị trì hoãn sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm ngoái khiến giá năng lượng tăng mạnh.
Hiệp ước sẽ có hiệu lực trở lại trong năm 2024.
Hai nền kinh tế lớn nhất EU là Đức và Pháp đang phối hợp nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ, tạo tiền đề cho sự đồng thuận với tất cả các nước thành viên.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Nadia Calvino, cho rằng tất cả các nước thành viên cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác nhằm đạt thỏa thuận trước cuối năm.
Có hy vọng rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được tại hội nghị bộ trưởng vào tháng 12 năm nay.
Đức từ lâu đã kêu gọi các quy định chung về giảm nợ và thâm hụt ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng tiến triển lớn đã đạt được nhưng vẫn cần thêm nhiều nỗ lực.