Thu hút đầu tư khi áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu

Vào tháng 10/2021, 136 quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD tổ chức và đồng ý với Giải pháp cải cách thuế hai trụ cột, bao gồm Trụ cột 2 về Mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Một trong những công cụ để thu hút vốn FDI vào Việt Nam là ưu đãi thuế. Vậy nên đến đầu năm 2024, khi áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu này có thể sẽ làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam. Vậy làm thế nào để vẫn thu hút FDI mà vẫn đảm bảo lợi ích hài hòa cho các nhà đầu tư khi áp dụng chính sách này?

——————————————–

Thuế tối thiểu toàn cầu có 2 quy tắc gồm: quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%, quy tắc khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu và một quy tắc hiệp định thuế là 9%.

Theo quy định thuế suất tối thiểu toàn cầu, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EURo trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thì việc áp dụng này sẽ giúp các nước không còn phải áp dụng các giải pháp để chống chuyển giá. Vì thuế tối thiểu toàn cầu ngăn chặn cơ bản các công ty đa quốc gia (TNCs) không thể lợi dụng các “thiên đường thuế” để trốn thuế, chuyển giá, mà sẽ phân bổ khoảng 220 tỷ USD tiền thuế về các nước nhận đầu tư, trong đó các nước đang phát triển được hưởng hơn 110 tỷ USD.

Với Việt Nam, một trong những công cụ để thu hút vốn FDI là miễn giảm thuế trong một thời gian nhất định. Vì vậy, khi áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam. Đây cũng chính là lo ngại chung của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nakajama Takeo – Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết: “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã được các chính sách ưu đãi về thuế, tuy nhiên khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là xu thế chung, đối với doanh nghiệp kinh doanh thực chất thì việc áp dụng này sẽ là áp dụng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, cần có cần giải pháp bổ sung để hỗ trợ người lao động hoặc các chính sách ưu đãi hiên hành áp dụng như thế nào”.

Còn  theo ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham) mối quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng tương tự nhiều nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác khi nhắc đến chính sách sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024 tới đây. Ông bày tỏ lo ngại: “Liệu việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu có làm giảm hoặc mất đi các ưu đãi về thuế (đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp) mà các doanh nghiệp này đang được hưởng theo quy định hiện hành hay không. Liệu Chính phủ Việt Nam có đền bù trong trường hợp các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kém thuận lợi hơn hoặc trở nên kém hiệu quả do áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không?”.

Ông Gabor Fluit, tân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam EuroCham cũng cho rằng, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp tới, Chính phủ Việt Nam cần có các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Theo phân tích của EuroCham, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế.

Về vấn đề này, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) kiến nghị Chính phủ Việt Nam đưa vào hoạt động lực lược biệt phái của Chính phủ liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời mong muốn nhanh chóng triển khai các nghiên cứu lập pháp và thủ tục lập pháp.

Trên thực tế, dù thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay ở mức 20%, song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Khi thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng,thì những ưu đãi hiện nay của Việt Nam cho các nhà đầu tư không áp dụng nữa, ảnh hưởng đến công cụ thu hút đầu tư của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Việt Nam xây dựng chính sách thu hút đầu tư thế nào để ít tác động và đảm bảo tính nhất quán thu hút đầu tư của Việt Nam trong 30 năm qua”.

 

Trước đó, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu. Hiện nay, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.

Để khẩn trương chuẩn bị kịch bản áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, Chính phủ cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Từ đó, tạo ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mới và giữ chân các nhà đầu tư hiện tại. /.

BTV Lê Nguyên
Theo: Thương gia & Thị trường
Spread the love
Back To Top