Hiện Hải Phòng có hơn 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm này đã chinh phục người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu tại thành phố Cảng.
Song, để các sản phẩm OCOP Hải Phòng phát triển bền vững các đơn vị liên quan cần phối hợp nhịp nhàng, bài bản hơn trong đánh giá tiềm năng, cơ hội phát triển cũng như thay đổi cách thức quảng bá sản phẩm.
Hợp tác xã mật ong Tùng Hằng ở thôn Đông Tác, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ có 7 hộ thành viên tham gia sản xuất, mỗi tháng cung cấp ra thị trường trong nước khoảng 10.000 lít mật ong, sản phẩm mật ong của hợp tác xã đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Tạo cơ hội tốt phát triển sản vật địa phương
Theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, tính đến tháng 12/2023, Hải Phòng có 229 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (134 sản phẩm 3 sao, 95 sản phẩm 4 sao trở lên), đạt trên 68% mục tiêu Chương trình OCOP thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển, nâng cấp 335 sản phẩm OCOP, trước mắt tập trung vào các sản phẩm truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu chủ lực của thành phố Hải Phòng thuộc 6 nhóm ngành sản phẩm là thực phẩm, đồ uống, vải may mặc, thủ công mỹ nghệ, trang trí, sinh vật cảnh, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Hiện các sản phẩm OCOP trên địa bàn Hải Phòng còn nhiều dư địa để phát triển.
Việc triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cũng được các địa phương tại Hải Phòng triển khai tích cực. Ông Lưu Văn Thụy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 43 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng 3-4 sao; trong đó, có 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Việc triển khai chương trình đã tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng tại các địa phương, thu hút thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Các sản phẩm khi tham gia chương trình hầu hết đã được cải tiến, hoàn thiện về chất lượng bao bì, nhãn mác, do đó mở rộng được thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và tạo niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, hợp tác xã có 2 sản phẩm là Mật ong hoa rừng ngập mặn và Mật ong hoa táo Bàng La được thành phố Hải Phòng xếp hạng 4 sao. Khi tham gia chương trình OCOP, hợp tác xã mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, giới thiệu quảng bá, sản phẩm rộng rãi hơn. Hợp tác xã có đầu ra ổn định. Đây là điều kiện để hợp tác xã có phương án phát triển để tăng thu nhập cho các thành viên hợp tác xã còn người tiêu dùng có sản phẩm tốt với giá cả hợp lý.
Cần chiến lược quảng bá bài bản, hiệu quả
Sản phẩm Nấm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Trường Sinh ở thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ, đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Hiệu quả do chương trình OCOP mang đến rất rõ rệt, song có nhiều ý kiến cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Cùng với đó là các đơn vị liên quan chưa có chiến lược bài bản trong giới thiệu, quảng bá, tạo nên những câu chuyện riêng cho sản phẩm đặc thù của địa phương.
Mới đây, tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng, ông Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng cho rằng, các đơn vị liên quan, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cần xây dựng các chiến dịch bàn bản hơn để quảng bá sản phẩm OCOP của Hải Phòng. Theo ông Lã Thanh Tân, qua các chuyến công tác tại các địa phương, ông Tân nhận thấy, một trong cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm hiệu quả là giới thiệu bên lề hội nghị, trưng bày tại sảnh các khách sạn.
Ông Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP tại Hải Phòng thiếu đồng bộ, chưa phản ánh rõ nét những ưu điểm nổi trội và nét độc đáo, đặc sắc của sản phẩm OCOP để xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, gây ấn tượng với người mua.
Qua việc triển khai từ thực tế, đại diện nhiều chủ sở hữu cho rằng, việc quảng bá sản phẩm là mắt xích quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP, bởi đầu ra có ổn định, cơ sở sản xuất mới có cơ hội để phát triển sản phẩm bền vững. Góp phần giải quyết những vướng mắc này, một số đơn vị tại Hải Phòng đã có sự phối hợp với cơ sở sản xuất hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt thông qua các hội chợ và xây dựng các chương trình truyền thông mới theo hướng trẻ trung, hấp dẫn.
Minh chứng cụ thể, dịp cuối năm 2023, Thành đoàn Hải Phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hải Phòng phối hợp với Tiktok tổ chức livestream “Chợ phiên OCOP Hải Phòng” để xúc tiến thương mại qua nền tảng số hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hải Phòng. Trong buổi xúc tiến này, đã có tới 20 triệu lượt tiếp cận “Chợ phiên OCOP Hải Phòng”.
Là một trong những hộ sản xuất tham gia “Chợ phiên OCOP Hải Phòng”, ông Lê Khắc Hoạt, quận Hải An, Hải Phòng- người sáng tạo ra món “Chả chìa bác Hoạt” đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cho biết, dù sản phẩm chả chìa đã được quảng bá trên bản đồ Foodtour Hải Phòng và đưa lên mạng bán lẻ của các tập đoàn viễn thông, song việc tiêu thụ chưa được nhiều, chưa quảng bá rộng rãi ở quy mô toàn quốc. Do đó, những phiên chợ trực tuyến như “Chợ phiên OCOP Hải Phòng” sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận được thị trường lớn hơn, tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm, giúp các hộ sản xuất kinh doanh ổn định sản xuất và phát triển các sản phẩm đặc thù của Hải Phòng.